Dấu ấn ngành Khoa học và Công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các giải pháp để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá UBND tỉnh giao. Đến nay đã hoàn thành đúng tiến độ 2 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ còn lại đang thực hiện và nằm trong thời hạn được giao; 50 nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN do đơn vị xác lập cũng được tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Quá trình triển khai nhiệm vụ, Sở KH&CN đã chú trọng bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được UBND tỉnh đề ra, bước đầu tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của ngành KH&CN và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Sở đã tổ chức theo dõi, quản lý 32 nhiệm vụ KH&CN, trong đó đã nghiệm thu 2 nhiệm vụ cấp nhà nước và 8 nhiệm vụ cấp tỉnh.

Các nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm 68,97%, tài nguyên và môi trường chiếm 10,34%, khoa học xã hội chiếm 10,34% và một số lĩnh vực phát triển công nghệ, công nghệ thực phẩm... Trong nghiên cứu, phần lớn đề tài tập trung vào nghiên cứu ứng dụng; các kết quả nghiên cứu đã được bàn giao cho các đơn vị đặt hàng để ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng. Cụ thể, đã bàn giao 5 kết quả nghiên cứu KH&CN cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Mô hình trồng rau thủy canh ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Nỷ

Hoạt động KH&CN và ĐMST trên các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Đối với dự án đầu tư các thành phần kinh tế thuộc nguồn vốn xã hội hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 28 dự án có ứng dụng công nghệ, vốn đăng ký 2.581 tỷ đồng, hoạt động trên các lĩnh vực: Chế biến, khoáng sản, công nghiệp, xây dựng, năng lượng tái tạo và nông nghiệp; trong đó, có 7 dự án đã chính thức đi vào hoạt động.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đi vào hoạt động cho sản phẩm và hiệu quả, gồm: 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Một số kết quả nổi bật trong ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp như: Phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn; ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn với tổng diện tích hơn 1.773ha. Đã có hơn 241ha nho, táo, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới, hoa lan, cây ăn quả, rau thủy canh sản xuất CNC thông qua ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tự động, bán tự động, hệ thống sản xuất nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hiệu quả của các mô hình ứng dụng, chuyển giao, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, ứng dụng kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã đóng góp vào tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt 13,16%, tạo ra sản phẩm an toàn.

Nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được quan tâm, chú trọng hơn trước, nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN, ĐMST đối với sự phát triển KT-XH ở các sở, ngành, địa phương đã được nâng lên và triển khai thực hiện đạt một số kết quả. Đơn cử, ngành Y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và kết nối, chia sẻ dữ liệu các nền tảng số y tế, dữ liệu của người dân sau khi số hóa được bảo mật mức tối đa nhằm phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các cơ sở kinh doanh thuốc thông qua việc ứng dụng phần mềm; ứng dụng nguyên tắc thực hành tốt GLP và TCVN theo kết quả được phê duyệt từ Dự án nâng cao năng lực phòng thí nghiệm theo TCVN ISO/IEC 17025 và GLP của Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thực phẩm và Thiết bị y tế giai đoạn 2021-2023. Ngành Công Thương đã triển khai 4 đề án ứng dụng, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực lĩnh vực công nghiệp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển mở rộng sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng năng suất, nâng cao chất lượng và tính thẩm mỹ cho sản phẩm, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh...

Nhìn lại hoạt động của ngành KH&CN trong năm 2023 để lại nhiều dấu ấn. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kết quả các đề tài, dự án có chuyển biến tích cực, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành KH&CN tập trung tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng kết quả KH&CN phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2025. Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại...