Xác định rõ Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ổn định, hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp triển khai cho vay; cùng với đó, chi nhánh còn thành lập ban chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tổ chức tập huấn, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong đơn vị thực hiện nghiêm túc việc cho vay theo hướng dẫn của Ngân hàng CSXH Việt Nam; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng. Đồng thời, tổ chức niêm yết công khai các chính sách cho vay, chương trình hỗ trợ lãi suất tại các điểm giao dịch xã và trụ sở nơi cho vay để người dân nắm bắt, đăng ký vay vốn.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc giải ngân vốn vay
cho người dân xã Bắc Sơn.
Theo nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành có 5 gói tín dụng ưu đãi cho vay trong 2 năm 2022-2023, kế hoạch vốn giao từ khi thực hiện chương trình đến ngày 20/11/2023 là 468,8 tỷ đồng, toàn hệ thống phòng giao dịch đã tập trung giải ngân đạt 389 tỷ đồng, cho hơn 7.890 lượt khách hàng được vay vốn. Cụ thể, cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho trên 5.568 lao động, với 295,1 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ mua và xây dựng 92 căn nhà, với 27,3 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính học trực tuyến 15,4 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 4,2 tỷ đồng và cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP gần 47 tỷ đồng, với 900 khách hàng vay vốn.
Là một trong những khách hàng được tiếp cận vốn vay, chị Thị Thảo, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các chính sách ưu đãi được triển khai thông qua Ngân hàng CSXH thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với các hộ khó khăn như chúng tôi. Nhờ được vay vốn 90 triệu đồng từ gói hỗ trợ phát triển sản xuất giúp gia đình có kinh phí cải tạo lại đất rẫy trồng 5 sào bắp, đậu đen và chăn nuôi 4 con bò. Hay như Trường Mầm non tư thục Blue Sky, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cơ sở phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài; nhờ được vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm, nhà trường có thêm điều kiện đầu tư sửa chữa lại cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị học tập sau dịch...
Cùng với đẩy nhanh tiến độ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, các hệ thống phòng giao dịch còn tích cực tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch và chỉ đạo tổ chức giải ngân tốt các chương trình cho vay thường xuyên đến người dân, với tổng doanh số cho vay tín dụng đạt 3.376,5 tỷ đồng, với hơn 80.100 khách hàng/103.276 món vay còn dư nợ. Ngoài ra, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH qua công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Cùng với việc phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị sẽ cùng với các ngành liên quan và địa phương rà soát, nắm bắt nhu cầu vốn của người dân để triển khai cho vay Nghị quyết số 11/NQ-CP theo kế hoạch đề ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn; đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi đầy đủ, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ phát huy đúng mục đích.
Hồng Lâm