Cuộc thi diễn ra gần 2 tháng, từ ngày 19/8/2023 đến ngày 10/10/2023. Ban Tổ chức nhận được 41 bài dự thi, tương ứng với 41/134 sản phẩm được công nhận OCOP của 26/50 đơn vị là chủ thể sản phẩm OCOP tham gia và được đăng tải trên fanpage “Sản phẩm OCOP Ninh Thuận”. Qua thống kê trên fanpage, Cuộc thi có 5.763 lượt bình chọn; số lượt chia sẻ là 1.921 lượt. Đối tượng tham gia bình chọn là công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang, người lao động, cán bộ hưu trí và Nhân dân. Nhìn chung, các bài dự thi tuân thủ Thể lệ cuộc thi đặt ra, đa số đều gắn với “Câu chuyện sản phẩm” hoặc thông điệp giới thiệu sản phẩm OCOP, truyền tải ngắn gọn, súc tích, đầy đủ thông tin về sản phẩm đến cộng đồng.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham quan các gian hàng OCOP của tỉnh.
Kết quả, Ban Tổ chức chấm và trao 17 giải thưởng cho sản phẩm OCOP được nhiều người yêu thích nhất và 4 giải thưởng dành cho người tham gia bình chọn đã đạt giải Cuộc thi trực tuyến “Bình chọn sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận được yêu thích”.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao giải thưởng sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh, thông qua cuộc thi đã phản ánh được hiện trạng của sản phẩm OCOP với hình thức rất đa dạng, sáng tạo và truyền tải đến các tầng lớp Nhân dân thông điệp về “Câu chuyện sản phẩm”. Từ đó, góp phần tạo dựng sự “tin dùng hàng Việt” ngày càng cao trong các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và giúp người tiêu dùng, các nhà phân phối nhận diện, phân biệt rõ ràng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận với các sản phẩm khác trong quá trình kết nối giao thương và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Cuộc thi còn góp phần truyền cảm hứng, động lực, cổ vũ phong trào khởi nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, quảng bá lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương Ninh Thuận; tạo nét đẹp đặc trưng và hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi tư duy từ “ưu tiên” sang “tin dùng” hàng Việt trong thời gian đến.
Văn Nỷ