Đội ngũ nhà giáo đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước, dù chiến tranh hay thời bình thì đội ngũ nhà giáo cũng luôn giữ một vị trí quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ từng nói: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa” (1); vì thế, trong giai đoạn hiện nay, khi mà xã hội không ngừng phát triển thì vai trò của đội ngũ giáo viên (GV) lại càng quan trọng.

Đội ngũ nhà giáo luôn bền bỉ với sự nghiệp "trồng người"

Nghề giáo được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” và người thầy luôn được coi là tiêu biểu cho tầng lớp trí thức trong xã hội, được người người tôn kính.

Thật vậy, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giữa mưa bom lửa đạn và vòng vây của kẻ thù, các thầy, cô giáo vẫn bền bỉ, kiên trì với sự nghiệp “trồng người”. Ở miền Bắc, mỗi ngày hàng triệu học sinh, sinh viên, các thầy, cô giáo vẫn đội mũ rơm, khắc phục muôn vàn khó khăn đến trường học tập, giảng dạy. Đặc biệt, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục cho học sinh và đồng bào miền Nam, chuẩn bị lực lượng trí thức xây dựng và phát triển đất nước sau giải phóng, đồng thời đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa giáo dục, gần 3.000 nhà giáo miền Bắc đã gác lại gia đình, sự nghiệp để lên đường đi B vào miền Nam. Không những là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa mà còn là chiến sĩ trực tiếp trên chiến trường, nhiều thầy, cô giáo đã dũng cảm chiến đấu, dũng cảm hy sinh, tên tuổi trở thành những anh hùng, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Cô và trò Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thực hành thí nghiệm chuẩn bị Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường (năm 2022). Ảnh: Ngọc Diệp

Sau giải phóng, thời kỳ trước đổi mới, kinh tế - xã hội đất nước rơi vào khủng hoảng. Bằng tâm huyết với nghề, nhiều thế hệ nhà giáo vẫn tiếp tục con đường vì sự nghiệp “trồng người” cao cả. Nhiều thầy, cô giáo đã tình nguyện đến các vùng sâu, vùng biên giới để truyền đạt con chữ đến từng em nhỏ, từng người dân với quyết tâm thực hiện tốt nhất chủ trương của Đảng là “xóa mù chữ”, “phổ cập giáo dục các bậc học” cho toàn dân. Ngoài ra, các thầy, cô giáo còn là những thanh niên xung phong, tham gia đào kênh, làm đường, khai hoang đồng ruộng, tăng gia sản xuất.

Sang đến thời kỳ đổi mới, được rèn giũa qua chiến tranh và gian khó, các thế hệ nhà giáo đã luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường và hoàn thành sứ mạng lịch sử cao quý của mình. Sự truyền lửa cách mạng, truyền tri thức, truyền nhiệt huyết và những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo đã góp phần làm nên sự thay đổi kỳ diệu trên mọi vùng miền, từ thành thị đến nông thôn. Những vùng đất hoang hóa, nghèo khó, từng mang nặng vết thương chiến tranh đã từng bước chuyển mình, trở thành những vựa lúa lớn, những khu, cụm công nghiệp, những đô thị sầm uất, hiện đại. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước nhà, thông qua các thầy, cô giáo, đã không ngừng được đổi mới, nâng cao; qua đó, đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáng ghi nhận, trong 3 năm 2020-2022, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó Giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng đây cũng là cú hích để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành Giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục. Ngay trong thời điểm khó khăn của đại dịch, ngành Giáo dục, mà trong đó các thầy, cô giáo chính là lực lượng nòng cốt, đã tiên phong, gương mẫu, chủ động, linh hoạt không để hoạt động giảng dạy bị gián đoạn, biến khó khăn, thách thức thành động lực, cơ hội, chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; nhiều thầy, cô đã phát huy sức sáng tạo, tìm ra nhiều cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò...

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới

Có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố có tính quyết định thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục phối hợp các ngành, địa phương xây dựng đội ngũ nhà giáo từng bước bảo đảm chất lượng và cơ cấu, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới dạy học.

Để phát triển đội ngũ nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế GV bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung góp phần giải quyết khó khăn về thiếu GV, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

Các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng GV theo chỉ tiêu biên chế được giao; tích cực chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bố trí, sử dụng đội ngũ cơ bản bảo đảm theo khung năng lực vị trí việc làm, chuyên môn đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Kết thúc năm học 2022-2023, tổng số GV mầm non, phổ thông cả nước là trên 1,23 triệu người (tăng gần 72.000 người so với năm học 2021-2022).

Đáng chú ý, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tính đến hết năm học 2022-2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 của cấp mầm non là 86,3%, tiểu học là 83,3%, THCS là 90,3%, THPT là 99,9%. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Nhiều địa phương đã có những giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tiễn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình thực hiện đổi mới tại các địa phương, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng thiếu GV các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước còn thiếu trên 118.000 GV. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền...

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, bộ luôn xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp trong thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng GV hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh, các địa phương cần tuyển dụng hết số biên chế GV đã được giao, ưu tiên tuyển dụng GV mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết GV giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ; nhất là cần bố trí đủ GV dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đầu tư phòng máy dạy tin học cho trường TH-THCS Lê Đình Chinh. Ảnh: Văn Nỷ

Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy bảo đảm điều kiện nâng chuẩn đội ngũ các cấp học mầm non, phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho GV, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Ngành Giáo dục cùng các địa phương nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng GV và hỗ trợ, tạo điều kiện để GV yên tâm công tác... nhằm bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới giáo dục các cấp học.

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ để biểu dương những người dạy học và nghề dạy học, góp phần củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo; mà còn thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với các thầy, cô giáo như lời dạy từ xưa của ông cha: “Con ơi nhớ lấy lời này - Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên” hay “Muốn sang phải bắc cầu Kiều- Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Với niềm vinh dự, tự hào khi gánh vác sự nghiệp “trồng người” cao cả và sự tôn kính của toàn xã hội, đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý ngành Giáo dục đã, đang và tiếp tục phát huy tính sáng tạo, tâm huyết với nghề, hoàn thành xuất sắc trọng trách to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, gửi gắm.

Theo TTXVN
------------
(1) Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp 1, ngày 12/6/1956 (HCM toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tập 8, tr 184).