Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã tích đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình.
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là tuyến đê, kè bị sự cố, đang thi công.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát và triển khai phương án sơ tán dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt, vùng hạ lưu các hồ chứa nước để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Triển khai phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa điểm sơ tán dân. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường giao thông do địa phương quản lý. Thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thường xuyên tổ chức đi kiểm tra các vị trí có nguy cơ bị sạt lở, chia cắt không đảm bảo an toàn để ứng phó với mưa lũ. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động khẩn trương triển khai các công việc nêu trên, không được chủ quan, lơ là.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Bố trí, điều động lực lượng, phương tiện của lực lượng vũ trang trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập, ứng phó với mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo bảo vệ các mục tiêu quan trọng và giúp dân giải quyết hậu quả sau mưa lũ.
Công an tỉnh xây dựng phương án bảo vệ các mục tiêu kinh tế, mục tiêu quan trọng khác; tổ chức cảnh báo, bố trí lực lượng công an nhanh chóng giải tỏa những nơi có ùn tắc giao thông, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, an toàn giao thông tại các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu, chia cắt, cô lập trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cử lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn và cấm người và phương tiện qua các tràn, tuyến đường giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết, khu vực bị chia cắt.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo việc bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ; phối hợp với Công an tỉnh, địa phương bố trí lực lượng chốt chặn các tuyến đường, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, khu vực bị chia cắt. Các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình đang thi công.
Công ty Điện lực Ninh Thuận có phương án bảo vệ đường dây trung, hạ thế tuyệt đối an toàn, phải khắc phục nhanh mọi sự cố khi mất điện, kịp thời phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Sở Y tế chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế, cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, ứng phó với mưa lũ. Tổ chức cung ứng, phân phối vật tư, hóa chất, thiết bị cho các địa phương đã sơ tán dân do mưa lũ sử dụng kịp thời, hiệu quả.
Các cơ quan truyền thông thường xuyên thông báo tình hình diễn biến của mưa lũ qua tin nhắn cho nhân dân biết để chủ phòng tránh.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Trong 12 giờ qua khu vực tỉnh Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa rất to, lượng mưa từ 20-70.0mm, trạm Ninh Hải mưa 141.0mm, Công Hải mưa 132.8mm. Trong 6 giờ tới tiếp tục có mưa vừa mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông; lượng mưa phổ biến 20mm đến 60mm, có nơi cao hơn 80mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các xã: Công Hải, Phước Chiến, huyện Thuận Bắc; Vĩnh Hải huyện Ninh Hải; Lâm Sơn, Lương Sơn huyện Ninh Sơn; Phước Chính, Phước Đại huyện Bác Ái; Phước Dinh huyện Thuận Nam.
Trong 24 giờ tới các sông suối trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra lũ ở mức báo động 1 và trên báo báo động 1. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ có thể gây thiệt hại đường đi, nhà cửa, kinh tế, dân sinh và môi trường các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn. Khu vực trũng thấp huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Phước, Thuận Nam đề phòng có ngập úng.
Xuân Bính