Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực này vẫn luôn tồn tại và lan truyền ở khắp nơi. Để ngăn chặn hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc, nhận biết tin giả, tin xấu, độc, cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp.
Quản lý hiệu quả các mạng xã hội xuyên biên giới
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí - truyền thông và thông tin điện tử, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng thông tin giả, tin xấu, độc hại nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta trên các mạng xã hội ở nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
Bộ đã triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán hình ảnh, thông tin giả, thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng xã hội xuyên biên giới, như: Facebook, Youtube, TikTok để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Bộ đấu tranh quyết liệt, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải đáp ứng yêu cầu trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc hại do những đơn vị này cung cấp. Bộ thực hiện kiểm tra hoạt động của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam; phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan lập danh sách một số thế lực thù địch phản động, phần tử cơ hội chính trị "cộm cán", thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc hại để theo dõi, giám sát đặc biệt. Bộ đồng thời yêu cầu Facebook, Google, TikTok ngăn chặn, gỡ bỏ ở mức cao nhất và nhanh nhất đối với các tin, bài vi phạm của nhóm kênh, tài khoản phản động "cộm cán", nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực.
Xử lý quyết liệt, mạnh mẽ các trường hợp người dùng phát tán thông tin vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao, nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì địa phương chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính). Trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự). Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các địa phương phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Bộ cũng đã xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung các quy định nhằm quản lý hiệu quả các mạng xã hội xuyên biên giới, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với các nền tảng này. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội của nước ngoài chống phá Đảng, Nhà nước ta để từng người dân cảnh giác, nâng cao ý thức khi tiếp cận với các thông tin giả, tin xấu, độc...
Kết quả tỷ lệ ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới trong quý III/2023 ước đạt khoảng 92%. Cụ thể, tính từ ngày 23/6 đến 20/9/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 975 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (đạt 90%); gỡ 1 group vi phạm, 26 tài khoản giả mạo, 24 pages quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép. Google đã gỡ 2.793 videos vi phạm trên Youtube (đạt 93%); xóa 12 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 31.179 video). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 82 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (93%); trong đó xóa 4 tài khoản livestream bình luận xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chia sẻ hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò; 29 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; 13 tài khoản bôi nhọ, xúc phạm Bác Hồ. Google đã gỡ 5.390 videos vi phạm trên Youtube (94%); chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (đạt 92%); trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Riêng tháng 10/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (đạt 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube (đạt 92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (đạt 95%).
Nâng cao trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng
Dù đã có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn xử lý tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng từ các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng các thông tin tiêu cực này vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Cùng với các biện pháp răn đe, xử phạt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều chiến dịch nhằm vận động, tuyên truyền, giúp người dân nhận biết, cảnh giác, nói "không" các thông tin giả, thông tin xấu độc. Cụ thể, cuối năm 2022, Bộ đã ban hành "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng". Với cẩm nang này, người dùng mạng xã hội có thể tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội; có ứng xử phù hợp, hạn chế sự phát tán, ảnh hưởng của tin giả. Mục tiêu hàng đầu của việc ban hành Bộ cẩm nang này là nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet ở Việt Nam; cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin xấu độc có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Bên cạnh đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử đã phối hợp với Báo VnExpress và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức chiến dịch "Tin" nhằm nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam, hạn chế phát tán và lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên Internet từ tháng 9-11/2023.
Để hạn chế tình trạng tin giả, tin xấu độc, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết hiện công nghệ liên tục thay đổi, bộ quy ước tiêu chuẩn cho người tạo ra nội dung sử dụng phải cập nhật thường xuyên, dựa trên phản hồi của cộng đồng... Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc, nhận biết tin giả cũng như những hành vi vi phạm pháp luật khi hoạt động trên không gian mạng để có ứng xử phù hợp, bảo đảm an toàn trên không gian mạng, góp phần hạn chế vấn nạn tin giả, tin xấu độc.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chương trình đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa thông qua hệ thống phát thanh truyền hình, báo chí; phát huy vai trò của thông tin cơ sở nhằm cung cấp thông tin đến người dân bởi nếu tiếp cận được thông tin chính thống đầy đủ, kịp thời thì sẽ hạn chế được tin giả, tin xấu độc.
Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu ra biện pháp để giải quyết vấn đề này. Theo Bộ trưởng, 5 năm trước, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia có chức năng tự rà quét và tháo gỡ thông tin xấu độc, đã được thành lập. Bộ cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc ở mức quốc gia, đồng thời đang nghiên cứu thành lập trung tâm xử lý tin giả, hỗ trợ người dân trên không gian mạng ở cấp tỉnh. Các bộ ngành, địa phương và người dân khi gặp khó khăn trong việc đề xuất mạng xã hội tháo gỡ thông tin xấu độc sẽ được Bộ hỗ trợ...
Theo TTXVN/Báo Tin tức