Tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Theo đánh giá của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện nay dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc (GS), gia cầm (GC) như: Lở mồm long móng, cúm GC, tai xanh heo, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò và dại động vật cơ bản được kiểm soát tốt, không xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Các bệnh truyền nhiễm khác như: Tụ huyết trùng trên trâu, bò, heo, dê, cừu; phó thương hàn heo; viêm ruột hoại tử trên dê, cừu; gumboro trên gà..., xảy ra rải rác ở một số địa phương trên địa bàn, nhưng đã được phát hiện và khống chế kịp thời. Đối với dịch bệnh trên tôm nuôi, tính đến tháng 9/2023 tổng diện tích bị bệnh 18ha, chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính.

Mặc dù các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên GS, GC chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng trước tình trạng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi chưa thường xuyên ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật kiểm soát chưa chặt chẽ, đặt biệt là động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kết hợp sự biến đổi bất lợi của thời tiết ngày càng phức tạp tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển... Do vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên GS, GC và thủy sản (TS) trong thời gian tới là rất cao. Trước thực trạng trên, ngày 9/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4696/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh (PCDB) GS, GC và TS năm 2024 trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương và sự phối hợp đồng bộ với các sở, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCDB GS, GC và TS theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.

Tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Anh Thi

Để triển khai đồng bộ các biện pháp PCDB bảo đảm an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng khống chế không để lây lan diện rộng. Kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Theo đó, đối với công tác phòng dịch, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về PCDB GS, GC và TS. Nội dung tuyên truyền phải đảm bảo chính xác, kịp thời, dễ hiểu, phù hợp đối tượng, địa bàn. Cùng với đó, cần tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y về giám sát, xác minh dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh. Đối với UBND cấp huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) cấp huyện, UBND cấp xã giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Khi phát hiện động vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân phải khẩn trương báo cáo Trạm CN&TY cấp huyện để có phương án chống dịch phù hợp, dập tắt nhanh ổ dịch.

Đối với công tác chống dịch, khi các tỉnh giáp ranh (Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng) xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (cúm GC, lở mồm long móng, tai xanh heo, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò...), có nguy cơ lây lan sang tỉnh ta, các hoạt động PCDB vẫn được triển khai như trong tình huống khi chưa có dịch. Trường hợp các tỉnh trên đã công bố có dịch bệnh động vật, Chi cục CN&TY báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiêm phòng khẩn cấp cho vùng bị dịch uy hiếp, trong đó 80% động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố tại vùng bị dịch uy hiếp phải được tiêm phòng bằng vắc xin.

Trường hợp đặc biệt, ngay khi phát sinh ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy GS, GC (chưa đủ điều kiện công bố dịch), Chi cục CN&TY báo cáo Sở NN&PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCDB; thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin khẩn cấp (bao vây) cho GS, GC vùng bị dịch uy hiếp. Đối với động vật TS, khi xuất hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm theo quy định tại Phụ lục I, ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo PCDB động vật cấp huyện chủ trì, phối hợp với Chi cục CN&TY phân bổ hóa chất Cholorin để xử lý môi trường và tiêu diệt mầm bệnh tại ao nuôi.

Trong trường hợp phải công bố dịch: Đối với dịch bệnh GS, GC phải bảo đảm đủ điều kiện, đúng thẩm quyền, công khai, chính xác, kịp thời theo quy định tại Điều 26 Luật Thú y; trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công bố dịch bệnh GS, GC khi dịch bệnh xảy ra trong phạm vi huyện và Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố dịch bệnh GS, GC khi dịch bệnh xảy ra từ hai huyện trở lên trong phạm vi tỉnh. Đối với dịch bệnh động vật TS, việc công bố dịch phải bảo đảm đủ điều kiện, đúng thẩm quyền, công khai, chính xác, kịp thời theo quy định tại Điều 34 Luật Thú y.

Về công bố hết dịch, khi hội đủ điều kiện, người có thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật được quy định tại Điều 26 Luật Thú y thì có thẩm quyền công bố hết dịch bệnh động vật. Đối với dịch bệnh động vật TS, khi hội đủ điều kiện công bố hết dịch, Chi cục CN&TY có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh gửi Cục Thú y thẩm định, công nhận. Trên cơ sở công nhận của Cục Thú y, Chi cục CN&TY báo cáo Sở NN&PTNT tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố hết dịch theo quy định.

Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp, quy định kể trên, UBND tỉnh còn yêu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật. Thực hiện tốt công tác quản lý thuốc thú y, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục duy trì hoạt động trạm kiểm dịch đầu mối giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 và các chốt kiểm dịch tạm thời (khi dịch có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh) để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật ra, vào tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá phân loại về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở chăn nuôi tập trung, giết mổ, sơ chế, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo phân công, phân cấp. Đặc biệt, phải tổ chức triển khai tiêm phòng định kỳ (2 đợt chính/năm) các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin theo quy định tại Mục 1 Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về PCDB động vật trên cạn, trong đó: Đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 5/2024; đợt 2 từ tháng 10 đến tháng 11/2024, nhằm bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng TS phát triển ổn định và bền vững.