Phát triển tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Bài 2: Còn nhiều “nút thắt, điểm nghẽn”

Chủ trương tăng cường xây dựng tổ chức đảng (TCĐ) trong các đơn vị kinh tế tư nhân (KTTN) là đúng đắn, là quyết liệt, tuy nhiên, số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trên địa bàn tỉnh có TCĐ còn quá ít; việc kết nạp Đảng đối với người lao động (NLĐ), nhất là chủ doanh nghiệp (DN) còn rất khiêm tốn.

Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh chỉ có 24 DNTN có TCĐ/4.167 DNTN đang hoạt động và 337 chủ DN, NLĐ là đảng viên (ĐV)/32.516 lao động đang làm việc. Riêng trong giai đoạn 2019-2022, mỗi năm chỉ phát triển được 1 TCĐ và từ đầu năm 2023 đến nay chưa thành lập được TCĐ nào; cá biệt có 1 TCĐ sau 1 thời gian thành lập đã giải thể do DN ngưng hoạt động. Mặt khác, nhiều địa phương có nhiều DNTN đứng chân nhưng chỉ có 1-2 DN có TCĐ hoạt động. Đơn cử như huyện Ninh Sơn hiện có gần 100 DNTN nhưng chỉ có 1 TCĐ là chi bộ Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố với 12 ĐV; toàn huyện cũng chỉ có 1 chủ DNTN là ĐV hiện đang sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú. Huyện Thuận Bắc có 109 DNTN nhưng chỉ có 1 TCĐ là Chi bộ Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành với 11 ĐV. Có 3 địa phương là Ninh Phước, Thuận Nam và Bác Ái chưa có TCĐ trong các đơn vị KTTN.

Chi bộ Xí nghiệp 1 (Đảng bộ Công ty TNHH May Tiến Thuận) tổ chức kết nạp đảng viên mới.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 34 ĐV là NLĐ đang làm việc tại 8 đơn vị KTTN chưa có TCĐ, cụ thể trên địa bàn huyện Thuận Nam có 2 ĐV đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam, 24 ĐV làm việc ở các đơn vị trực thuộc Tập đoàn BIM Group chi nhánh Ninh Thuận, 1 ĐV ở Công ty TNHH Việt Úc - Phước Dinh, 1 ĐV ở Nghiệp đoàn nghề cá Cà Ná và 1 ĐV ở Nghiệp đoàn nghề cá Phước Diêm. Địa bàn huyện Ninh Sơn có 2 ĐV ở Công ty Thủy điện Quảng Sơn và 2 ĐV ở Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú. Địa bàn huyện Bác Ái có 1 ĐV đang làm việc tại Công ty TNHH Nam Việt.

Tại hội nghị chuyên đề bàn về công tác xây dựng TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN do Ban Chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN tỉnh vừa tổ chức, cấp ủy các địa phương và các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn, nút thắt” chưa được tháo gỡ trong công tác này. Ngoài yếu tố khách quan là hầu hết DN gặp khó sau đại dịch COVID-19 nên chỉ muốn tập trung duy trì hoạt động SXKD; DN trên địa bàn chủ yếu là quy mô nhỏ; một số cấp ủy trong đơn vị KTTN chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên có lúc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm... thì “điểm nghẽn” được cho là lớn nhất chính bởi một số cấp ủy, chủ DN nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập và hoạt động của TCĐ, đoàn thể và phát triển ĐV. Việc bí thư chi bộ không phải là cán bộ lãnh đạo, chủ DN dẫn tới vị thế, “tiếng nói” của TCĐ chưa được phát huy; một số chủ DN chưa tạo điều kiện, ủng hộ cho các tổ chức đoàn thể hoạt động, tạo môi trường cho NLĐ phấn đấu trở thành quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp. Một số DN có TCĐ cũng nhìn nhận việc duy trì sinh hoạt Đảng đúng quy định đối với DN có ĐV là lao động phân tán gặp nhiều khó khăn, dẫn tới chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, có lúc có nơi còn mang tính hình thức, lo ngại việc sinh hoạt, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ, dây chuyền công việc. Nhiều chủ DN từ chối việc vận động phát triển ĐV, thành lập TCĐ vì lý do “bận làm kinh tế”.

Là đảng bộ cơ sở với 44 ĐV sinh hoạt ở 6 chi bộ trực thuộc, Đảng bộ Công ty TNHH May Tiến Thuận được xem là “hạt nhân chính trị” đầu tàu trong khối các đơn vị KTTN của tỉnh. Ông Hồ Tấn Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy công ty, cho biết: Đảng bộ công ty được thành lập năm 2010 với 7 ĐV, đến nay phát triển được 44 ĐV, bình quân mỗi năm đảng bộ phát triển từ 2-3 ĐV. Tuy có số lượng ĐV nhiều nhất trong số các TCĐ khối KTTN của tỉnh nhưng con số đó khá khiêm tốn so với 1.900 lao động hiện có của công ty. Nguyên nhân tỷ lệ phát triển ĐV thấp là do không ít NLĐ thường xuyên thay đổi nơi làm việc nên chưa thật sự mặn mà tham gia vào các tổ chức, phấn đấu trở thành ĐV; có không ít công nhân, NLĐ chỉ quan tâm đến điều kiện sản xuất và thu nhập, ít quan tâm đến hoạt động của TCĐ, đoàn thể. Có lao động cho rằng nếu đổi mới hình thức sinh hoạt, học tập nghị quyết, viết thu hoạch đối với ĐV là lao động trực tiếp sản xuất thì sẽ phần nào thu hút NLĐ phấn đấu tham gia vào TCĐ và DN là đơn vị SXKD cũng sẽ không bị sức ép về thời gian tiếp thu, triển khai các loại văn bản, báo cáo liên quan công tác Đảng...

Qua khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của 20 chi, đảng bộ DNTN trực thuộc Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, đồng chí Lưu Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy khối, nhìn nhận: Công tác phát triển TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN những năm gần đây, nhất là sau khi Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra đời, mặc dù thường xuyên được Ban Thường vụ Đảng ủy khối quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả chưa cao và bộc lộ những hạn chế, khó khăn như vai trò của một số TCĐ trong các đơn vị KTTN còn mờ nhạt, nội dung phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng nói chung. Nhiều DN chưa có tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên nên không “mặn mà” với việc bồi dưỡng, phát triển ĐV, xây dựng cơ sở để tiến tới thành lập TCĐ. Số đông chủ DN vẫn thể hiện quan điểm không ủng hộ việc thành lập, hoạt động của TCĐ, đoàn thể trong DN vì lo ngại ảnh hưởng đến SXKD. Cũng có trường hợp nhiều NLĐ vừa được tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác hoặc thôi việc... Vì những lý do trên dẫn đến việc phát triển ĐV mới và thành lập TCĐ trong các đơn vị KTTN vẫn là một “bài toán” nan giải!

----------------------------------
Mời xem tiếp kỳ sau
Bài cuối: Bài toán phát triển tổ chức đảng, đảng viên