Đồng chí Nguyễn Hữu Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Phần lớn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nhỏ và vừa, thậm chí có DN chỉ có từ 1-5 lao động. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động làm ảnh huởng đến việc làm, đời sống của người lao động (NLĐ) dẫn đến việc vận động NLĐ vào tổ chức CĐ và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May Tiến Thuận.
Để đẩy mạnh phát triển ĐV và tổ chức CĐCS, LĐLĐ tỉnh đã ban hành chương trình về phát triển ĐV, thành lập CĐCS giai đoạn 2018-2023; chỉ đạo LĐLĐ các địa phương, ngành tiến hành khảo sát, nắm vững tình hình DN, lao động để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp CĐ đẩy mạnh, thực hiện linh hoạt, bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, mẫu đơn xin gia nhập CĐ, sổ tay công tác CĐ cho NLĐ; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành lập các tổ công tác đến tận các DN tổ chức tuyên truyền trực tiếp để NLĐ hiểu và tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ, thành lập CĐCS. Đặc biệt, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các địa phương, ngành thành lập các ban vận động phát triển ĐV và thành lập CĐCS tại các DN khu vực ngoài nhà nước; cử cán bộ CĐ chuyên trách hỗ trợ, tư vấn ban vận động trong việc kết nạp ĐV, thành lập CĐCS; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các CĐCS mới thành lập khi tổ chức lễ ra mắt CĐCS và kết nạp ĐV... Đồng chí Nguyễn Hữu Hòa cho biết thêm: Điểm mới trong việc thành lập tổ chức CĐCS trong thời gian qua đó là việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự ban chấp hành là do NLĐ đề cử thay vì được chỉ định như trước đây. Điều này phát huy sự chủ động và quyền làm chủ của NLĐ theo quy định của pháp luật.
Với sự nỗ lực và giải pháp hiệu quả, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã kết nạp mới 13.072 ĐV; số ĐV tăng thêm là 6.266 người; thành lập mới 94 CĐCS, trong đó có 29 CĐCS ở DN có sử dụng từ 20 lao động trở lên, nâng số ĐV toàn tỉnh hiện lên 34.951 người và 713 CĐCS.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển ĐV và thành lập tổ chức CĐ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Hoạt động một số ban chỉ đạo thành lập tổ chức CĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa hiệu quả. Một số chủ DN chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của tổ chức CĐ nên chưa tạo điều kiện, ủng hộ việc tuyên truyền, vận động phát triển ĐV và thành lập CĐCS. Công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu kỹ năng...
Thời gian tới, các cấp CĐ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện việc xây dựng tổ chức CĐ theo phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức CĐ”, đặc biệt chú trọng phát triển ĐV, thành lập CĐCS khu vực DN ngoài nhà nước. Đổi mới công tác phát triển ĐV, thành lập CĐCS với phương châm tất cả vì lợi ích ĐV, NLĐ... Phấn đấu đến năm 2028, toàn tỉnh có 45.000 ĐV; 100% DN sử dụng 25 lao động trở lên được thành lập tổ chức CĐ; tiếp tục vận động thành lập CĐCS ở các DN có từ 10 lao động trở lên. Hằng năm, có 100% CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; 90% CĐCS trở lên khu vực nhà nước và 70% CĐCS ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Uyên Thu