Theo hãng tin Al Jazeera có trụ sở ở Qatar ngày 6/11, lãnh đạo của 18 cơ quan Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên tham gia xung đột Israel - Hamas ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời bày tỏ “sốc và kinh hoàng” trước số người chết ngày càng tăng do cuộc xung đột này.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố chung hiếm hoi, những người đứng đầu các cơ quan của Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Đã 30 ngày rồi. Thế là đủ rồi” và “việc này phải dừng lại ngay bây giờ”.
Những người đứng đầu các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm các nhà lãnh đạo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… đã mô tả các vụ giết hại cả người Israel và người Palestine trong tháng qua là “kinh hoàng”.
Theo cơ quan y tế Dải Gaza do Hamas kiểm soát, ít nhất 9.770 người Palestine, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong các vụ bắn phá của Israel nhằm vào cùng đất Palestine này.
Trong khi đó, chính quyền Israel cho hay hơn 1.400 người, cũng chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào miền Nam nước này. Ngoài ra, các tay súng Hamas còn bắt hơn 240 người đưa về Dải Gaza làm con tin.
Chuyển thi thể nạn nhân sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 4/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cho biết: “trong gần một tháng qua, thế giới đã theo dõi tình hình đang diễn ra ở Israel và Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong sự bàng hoàng và kinh hoàng trước số lượng sinh mạng bị thiệt mạng và bị thương ngày càng tăng”.
Những người đứng đầu các cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên tôn trọng “nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế”, bao gồm bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, trường học và cho phép viện trợ vào Gaza, đồng thời lên án vụ sát hại hàng chục nhân viên cứu trợ.
Những người đứng đầu các cơ quan của Liên hợp quốc còn cho biết tới nay đã xảy ra hơn 100 cuộc tấn công nhằm vào cơ sở chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10, trong đó có 88 đồng nghiệp của Cơ quan Công tác và Cứu trợ của Liên Hợp Quốc (UNRWA). Đây là con số tử vong cao nhất của Liên hợp quốc từng được ghi nhận trong một cuộc xung đột.
Theo TTXVN/Báo Tin tức