Lãnh đạo UBND tỉnh nghe báo cáo kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương

Ngày 6/11, đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo kế hoạch tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2030.

Theo mục tiêu của kế hoạch đề ra, đến năm 2030 ngành Công Thương sẽ tập trung tái cơ cấu đồng bộ các lĩnh vực, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt khoảng 18-19%; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt từ 25-30% vào năm 2030. Đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW (năng lượng tái tạo chiếm từ 60-70%); sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 24 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2030 tăng khoảng 10-15%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 15-16%.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương cần bám sát quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, các chủ trương định hướng của tỉnh để cụ thể hóa vào trong kế hoạch thực hiện. Có sự rà soát bổ sung các dự án động lực, các dự án đã có chủ trương thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo. Về xuất khẩu phải đề xuất được các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khả năng phát triển, khai thác hiệu quả... Các mục tiêu, chỉ tiêu cần cụ thể trên cơ sở phân tích, đánh giá được các thực trạng, khả năng, lợi thế, nguồn lực, đề xuất được các giải pháp đảm bảo khả thi, thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.