Nhiều cử tri đánh giá, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, sát thực tế, đi vào vấn đề trọng tâm; hầu hết đại biểu sử dụng hợp lý thời gian để trình bày quan điểm của mình. Bên cạnh đánh giá mặt tích cực, đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chương trình, đặc biệt là tình trạng người dân không có ý chí tự vươn lên, “bám” chuẩn hộ nghèo để thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Nhiều địa phương miền núi không mặn mà trong xây dựng nông thôn mới, vì sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới sẽ không còn thuộc địa bàn khó khăn, chính sách hỗ trợ bị cắt giảm; đồng thời, đề nghị đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Theo ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, năm 2021, khi Trung ương chưa ban hành khung pháp lý Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai đã chủ động triển khai các bước, đề ra các chính sách để việc xây dựng nông thôn mới diễn ra thường xuyên, liên tục.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Ông Lê Văn Gọi cho rằng, Đồng Nai đạt nhiều thành tựu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Tuy nhiên, vấn môi trường nông thôn vẫn chưa thật sự bền vững, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình xử lý chất thải rắn. Một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn các huyện vẫn còn tình trạng chất thải rắn chưa được thu gom và xử lý. Ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, khu vực khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế.
Thời gian tới, cơ quan Trung ương, địa phương cần quan tâm vấn đề xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa. Đồng Nai đã triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở huyện Trảng Bom; song việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do các xã ven đô chưa có Bộ tiêu chí riêng. Nếu áp dụng Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 cho các xã ven đô thì một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nguyên nhân do các xã ven đô có dân nhập cư đông, tăng dân số cơ học cao tạo áp lực lớn lên cở sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường.
Theo ông Lê Văn Gọi, Bộ tiêu chí xã ven đô nếu có sẽ là công cụ quan trọng để quản lý lập và thực hiện quy hoạch khu vực ven đô. Với bộ tiêu chí này, khu vực ven đô sẽ được nhận diện đúng các cơ hội và thách thức trước mắt cũng như lâu dài và đặt ra các yêu cầu cần thực hiện, trong đó ưu tiên các nội dung bảo vệ môi trường, tăng tiện nghi đô thị (không gian công cộng, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cấp nước) và bảo vệ không gian thoát nước tự nhiên.
Theo ông Lê Văn Gọi, xây dựng nông thôn mới là chương trình đúng đắn, cần được tiến hành liên tục, dài lâu. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành khuôn khổ pháp lý Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 để các địa phương chủ động thực hiện. Các tỉnh phải căn cứ vào Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để xác định mục tiêu phấn đấu. Ban hành các Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt trong cả giai đoạn 2026 - 2035 (10 năm) thay vì giai đoạn 5 năm như hiện nay. Trong quá trình thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không phù hợp với thực tiễn cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc cho biết, thực tế cho thấy, các Chương trình mục tiêu Quốc gia có mối liên hệ, tác động qua lại, cần tiếp tục được triển khai. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng, Bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay còn một số bất cập, cần sửa đổi, đơn cử như tiêu chí về số người chết phải được hỏa táng. Ngoài ra, việc đầu tư nước sạch là cần thiết song cần có lộ trình. Về vấn đề giảm nghèo, sự hỗ trợ của Nhà nước có chừng mực, thời gian nhất định nên điều quan trọng, tiên quyết là người nghèo phải có việc làm ổn định, từ đó thoát nghèo bền vững. Hiện, kinh tế khó khăn, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo mất việc làm, vì vậy vấn đề giải quyết việc làm cho người nghèo trở thành thách thức với địa phương.
Theo TTXVN/Báo Tin tức