Sự kiện do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản tổ chức. Đây là một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của ngành du lịch hai quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ: Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Tại Nhật Bản và Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động về văn hóa, du lịch như Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản 2023, Không gian văn hóa ẩm thực, Lễ hội Phở Việt Nam…, được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng. Điều đó cho thấy, hợp tác phát triển du lịch và văn hóa giữa hai nước ngày càng bền chặt, gắn kết và mang lại nhiều kết quả.
Khách du lịch tham quan Nhật Bản. Ảnh minh họa: Đào Thanh Tùng/Phóng viên TTXVN tại Tokyo
Du lịch Việt Nam năm 2023 đã phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19. Trong 9 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt. Trong đó, khách Nhật Bản đứng thứ 5 trong tốp các thị trường quốc tế đến Việt Nam. Khách nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, đặc biệt là ở các địa phương, điểm đến có sự tăng trưởng mạnh về khách quốc tế và nội địa, đã xuất hiện tình trạng quá tải khách du lịch như tại Sa Pa, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc… Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương…
Do đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng hội thảo này là phù hợp với tình hình, xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, Việt Nam và Nhật Bản. Thứ trưởng mong muốn các chuyên gia du lịch 2 nước trao đổi, tham luận, đưa ra các sáng kiến, giải pháp thiết thực, vì sự phát triển chung ngành du lịch của hai nước.
Tại hội thảo, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của 2 quốc gia đã thông tin về vấn đề: "Quá tải khách du lịch tại một số điểm đến ở Việt Nam, phát triển những điểm đến vệ tinh, hướng tới du lịch bền vững" và "Những xu hướng du lịch inbound mới nhất và những nỗ lực của JNTO để hướng tới du lịch bền vững". Cùng với đó, các đại biểu tiếp nhận nhiều thông tin thiết thực, hữu ích từ 4 diễn giả trong phiên trao đổi, thảo luận từ thực tiễn phát triển ở các điểm đến thu hút du khách ở 2 nước. Đó là điểm đến tại Niseko (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản) và Sapa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam). Một số chuyên gia du lịch, lữ hành của Việt Nam cũng trao đổi về quản lý sức chứa, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch bền vững, đưa ra những sáng kiến, ý tưởng hay ...
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - ITDR (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Viện nghiên cứu Giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI) đã kí Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu phát triển du lịch bền vững giữa 2 nước.
Theo TTXVN/Báo Tin tức