Khoai tây là một trong những loại thực phẩm chính của thế giới. Trong nhóm thực phẩm được sử dụng hàng ngày, khoai tây có tầm quan trọng thứ 3 sau lúa mì và gạo. Vì thế, việc giải mã được bộ gen của khoai tây có thể giúp tạo ra những chủng khoai tây mới có năng suất cao, giàu dinh dưỡng và có khả năng chống sâu bệnh.
Tờ Daily Mail dẫn lời TS Glenn Bryan, thuộc Viện Nghiên cứu James Hutton (Scotland) và là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Thành công của nghiên cứu là một bước tiến quan trọng giúp hiểu rõ hơn về đặc tính sinh học của khoai tây. Nghiên cứu cũng giúp đẩy nhanh việc nhân giống các chủng khoai tây mới dựa trên dữ liệu gen đã được giải mã”.
Khoai tây được trồng ở khoảng 125 quốc gia trên thế giới. Năm 2007, sản lượng khoai tây toàn cầu là hơn 300 triệu tấn. Tuy nhiên, các giống khoai tây hiện nay có sức đề kháng sâu bệnh rất thấp, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng củ sau khi thu hoạch. Ví dụ, bệnh chết rụi do rệp gây ra khiến những người trồng khoai tây trên thế giới thiệt hại khoảng 3 tỷ bảng/năm.
Các nhà khoa học hy vọng, bằng phương pháp biến đổi gen có thể giúp nâng cao năng suất và sản lượng của khoai tây, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho dân số toàn cầu, dự kiến sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050.
Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học