Đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập trước mùa mưa bão

Để đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão sắp tới, hiện các ngành, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ, đập thủy lợi để xây dựng phương án ứng phó xử lý kịp thời, bảo đảm phục vụ sản xuất và an toàn vùng hạ du.

Là đơn vị quản lý, khai thác các công trình hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2023, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty, cho biết: Hiện nay, đơn vị đang quản lý 22 hồ chứa, đập dâng. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty đã chủ động kiểm tra các công trình thủy lợi, từ đó nắm bắt cụ thể hiện trạng công trình và có phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời. Đến nay, đơn vị đã xây dựng phương án bảo vệ, ứng phó thiên tai trong tình huống khẩn cấp cho từng hồ, đập đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các hồ có dung tích lớn, công ty đã lắp đặt hệ thống giám sát, vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập. Trong đó, hồ chứa nước Sông Sắt đã bố trí thiết bị giám sát: camera, sensor đo độ mở tràn, sensor đo độ mở cống, còi thông báo xả lũ; các hồ: Lanh Ra, Tân Giang, Bà Râu, Sông Trâu, Trà Co, Phước Trung, Nước Ngọt đã bố trí còi thông báo xả lũ; công ty đang triển khai thủ tục thực hiện hệ thống giám sát, vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập cho hồ Sông Trâu. Riêng hồ chứa nước Sông Cái (giai đoạn bàn giao tạm), công ty đang triển khai lập và trình thẩm định các phương án bảo vệ đập hồ Sông Cái trong năm 2023 trình UBND tỉnh.

Hồ chứa nước Sông Cái.

Bên cạnh chủ động rà soát, sửa chữa các công trình, công ty đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2023; tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết. Khi có mưa lũ cử cán bộ thường trực 24/24 giờ tại công trình, nhất là các công trình ảnh hưởng lớn tới hạ du, công trình xung yếu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các huyện, thành phố phối hợp cùng chính quyền cơ sở xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp mùa mưa bão đối với từng công trình.

Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Trên địa bàn huyện có 5 hồ chứa nước lớn: Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co, Phước Nhơn và Phước Trung. Để đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã phối hợp với ban quản lý các hồ, đập tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, từ đó kịp thời phát hiện, đề xuất phương án xử lý kịp thời; xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp trong mùa mưa bão; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân các nội dung liên quan đến bảo vệ hồ, đập, các phương án ứng phó, di dời khi có sự cố xảy ra...

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện mưa lớn tập trung và có khả năng xảy ra từ 2-3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối. Đồng chí Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình hồ, đập, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với cơ quan liên quan chủ động kiểm tra, đánh giá hiện trạng và có phương án xử lý, khắc phục đối với các công trình xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa lũ 2023. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động PCTT theo quy định, quán triệt thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tạo chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình; nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.