Kiểm tra sản phẩm thịt lợn trước khi đưa ra thị trường.
Ảnh: Chinhphu.vn
Cuộc họp triển khai thực hiện công điện số 1120/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường.
Tìm nguyên nhân tăng giá, nêu biện pháp ổn định cung - cầu thịt lợn
Cục Chăn nuôi cho biết, thịt lợn hơi tại các thị trường miền Nam thời điểm này có giá khoảng 62 nghìn đồng/kg, tương đương các nước trong khu vực. Trong khi đó, giá ở miền Bắc dao động từ 65 - 70 nghìn đồng/kg, tăng từ 70 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng bất bình thường so với hàng hóa nói chung.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sau dịp Tết Nguyên đán, dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh và tháng 3. Đến đầu tháng 5 là dịch tai xanh bùng phát khiến người dân e ngại dịch và chăn nuôi cầm chừng nên nguồn cung ngày càng giảm.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, thông thường vào tháng 6, tháng 7, nắng nóng gay gắt sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thịt thịt lợn nhưng năm nay thời tiết khá dễ chịu nên nhu cầu cũng tăng cao đột biến.
Cục Thú y cho biết, trong 6 tháng đầu năm không có lợn sống nhập vào Việt Nam để giết mổ.
Từ thực tế địa phương, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng ngoài tâm lý lo sợ bệnh dịch quay trở lại, giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng khiến các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ có tâm lý “đóng chuồng”.
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi cũng hạn chế phát triển bởi lãi suất ngân hàng cao, việc mở thêm và mở rộng trang trại cũng gặp những khó khăn về quỹ đất.
Trước những nguyên nhân được xác định ban đầu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu ngành chăn nuôi tập trung chỉ đạo tăng nguồn cung, dùng những biện pháp kiên quyết nhất để xử lý các dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt chú ý giám sát, bảo đảm chất lượng và số lượng nguồn cung con giống và thức ăn chăn nuôi.
Bên canh đó cần thực hiện các biện pháp trước mắt nhằm điều hòa thị trường trong nước, như đẩy mạnh vận chuyển thịt lợn từ các địa phương trong miền Nam như Quảng Ngãi, Quảng Nam…. ra các tỉnh thành phía Bắc.
Một giải pháp trước mắt khác cũng được tính đến là cần tuyên truyền đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, hướng người dân sử dụng thịt gia cầm, góp phần hạ nhiệt cho thịt lợn và các loại thịt gia súc nói chung trong thời điểm hiện nay.
Dự báo giá rau sẽ sớm ổn định
Về giá rau, sau khi tổng hợp ý kiến của các địa phương, hội nghị thống nhất ý kiến chung là đợt rau tăng giá chủ yếu là do bão số 2 gây mưa lớn, làm thiệt hại rau màu.
Trong khi đó, hiện nay lượng rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Việc sụt giảm lượng nhập khẩu tuy không nhiều nhưng lại đúng vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ rau quả đang tăng cao và nguồn cung trong nước sụt giảm cũng là nguyên nhân đẩy giá rau củ tăng hơn so với cùng kỳ mọi năm.
Tuy nhiên, các loại rau tăng giá cao trong các tuần qua như rau muống, xà lách… đều là các loại rau dễ trồng và nhanh thu hoạch, khoảng 2 tuần sẽ cho sản phẩm. Vì vậy, dự tính lượng rau thiếu hụt sẽ dồi dào trở lại, giá rau quả nói chung sẽ ổn định trong khoảng 1 tuần tới.
Nguồn www.chinhphu.vn