(NTO) Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tỏ ra lo ngại về sự an toàn của việc sử dụng năng lượng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản. Nhưng Nga vẫn khẳng định điện hạt nhân là an toàn và chủ trương tiếp tục tăng cường phát triển các nhà máy mới sử dụng loại năng lượng sạch này và cương quyết thực hiện các hợp đồng xây dựng khoảng 6 lò phản ứng hạt nhân ở nước ngoài.
Mô hình Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đầu tư xây dựng tại thôn Vĩnh Trường
thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga Rosatom, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được xây dựng với hệ thống cô lập chất lượng phóng xạ… Thiết kế của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ 3 có mức độ an toàn hơn rất nhiều so với thiết kế của thế hệ 2. Ưu điểm quan trọng nhất của công nghệ này là khu vực bảo đảm, an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố nằm cách nhà máy 800m, có nghĩa là khi xảy ra bất kỳ sự cố nào, chất phóng xạ và chất thải phóng xạ phải được giữ và cô lập trong phạm vi nhà máy, không vượt qua khu vực ngoài nhà máy. Các rào cản chất phóng xạ được sắp xếp kế tiếp giống như con búp bê ở Nga. Có con búp bê to ở ngoài và con búp bê nhỏ ở bên trong, tất cả các chất phóng xạ phát sinh đều nằm trong con búp bê nhỏ nhất ở phía trong. Các chất phóng xạ này là thanh nhiên liệu thậm chí là các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng nằm trong khu vực đó. Nếu trường hợp con búp bê nhỏ bị phá vỡ thì con búp bê lớn sẽ đảm đương chức năng bảo vệ. Các chương trình hệ thống nhà máy điện hạt nhân này đảm bảo an toàn chủ động và thụ động. Hệ thống an toàn chủ động hoạt động không cần sự hỗ trợ của điện áp từ bên ngoài, cũng không cần có điện các hệ thống vẫn hoạt động. Còn các hệ thống an toàn thụ động hoạt động theo nguyên lý tự nhiên như nguyên lý trọng lực, nguyên lý trao đổi nhiệt tự nhiên. Bên cạnh đó các hệ thống an toàn thụ động vận hành tự động, người vận hành không thể can thiệp vào hoạt động, không thể tắt hay mở các hệ thống đó. Khi nhiệt độ trong lò phản ứng đó đạt đến mức độ nhất định thì các hệ thống này khởi động.
Rosatom cho rằng với thiết kế mới của thế hệ 3, nhà máy sẽ có hệ thống cơ chế cô lập chất nóng chảy, gọi là bẫy nóng chảy. Thiết kế này không có ở các nhà máy điện hạt nhân của Pháp hay của Mỹ, vì thế, điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đảm bảo an toàn. Với sự lắp ráp và hoạt động của hệ thống cô lập nóng chảy này, dù sự cố xảy ra ở mức độ nào, với biến đổi như thế nào thì chất nóng chảy cũng không vượt qua khỏi lò phản ứng phóng xạ. Hệ thống cô lập chất nóng chảy là điểm khác biệt lớn trong thiết kế thế hệ 3 + với thế hệ 2. Theo kế hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ đi vào vận hành năm 2020. Trong 2 năm tới, Rosatom sẽ thực hiện xong khảo cứu đánh giá địa điểm xây dựng. Dự kiến nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ tiến hành khởi công năm 2014. Trong thời gian xây dựng 40% công việc giám sát từ bên ngoài, tức là mỗi mối hàn tại nhà máy sẽ do cơ quan pháp quy là Cục An toàn bức xạ hạt nhân Việt Nam kiểm duyệt. Về địa điểm chọn nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, các chuyên gia Nga đánh giá là đạt yêu cầu. Nhưng khi xây dựng cần xác định địa điểm bố trí lò phản ứng phải có nền tảng vững chắc, nơi bố trí xa điểm đứt gãy địa chất và bảo vệ không tác động của sóng thần. Theo kinh nghiệm khảo cứu địa điểm, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể dịch chuyển vị trí khoảng 1 – 2km, nhưng nhìn chung địa điểm xây dựng nhà máy là tốt.
Về đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân, Rosatom đang xây dựng 3 trung tâm đào tạo cho sinh viên. Bên cạnh đó tập đoàn này cũng sẽ xây dựng mô hình trung tâm huấn luyện nhân viên kích cỡ thực tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trung tâm đào tạo huấn luyện này sẽ được xây dựng xong và hoạt động trước khi vận hành điện hạt nhân 2 năm.
Phú Thủy (Tổng hợp qua các nguồn)