Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình và huyện Ninh Sơn

Ngày 19/9, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND có buổi làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phước Bình nghe báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

VQG Phước Bình có tổng diện tích tự nhiên được giao quản lý 25.000,59 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 19.607,67 ha. Hiện đơn vị đang phối hợp cùng với VQG Bi Duop - Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) tạo thành một vùng rộng lớn liên tục khoảng 150.000 ha, góp phần cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa lịch sử của đồng bào các dân tộc trong khu vực. Năm 2023, VQG Phước Bình có 2 đề tài đã được phê duyệt là Đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi (Humphreya endertii) có nguồn gốc từ VQG Phước Bình” và Đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà (Bos taurus) và bò tót đực (Bos gaurus) giai đoạn 2021-2025”. Đến thời điểm hiện nay cơ bản các đề tài thực hiện theo đúng tiến độ đề ra... Tại buổi làm việc, Ban Quản lý VQG Phước Bình đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị, tiềm năng của vườn; tổ chức, nhân sự bộ máy hoạt động của vườn.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Vườn Quốc gia Phước Bình.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao trong điều kiện biên chế ít, bộ máy chưa hoàn thiện nhưng thời gian qua VQG Phước Bình đã làm khá tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái; thu dịch vụ môi trường rừng. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị VQG Phước Bình tập trung thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; triển khai hiệu quả công tác trồng rừng thay thế; xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của hệ sinh thái rừng. Đối với việc nuôi và phát triển mô hình nuôi cá tầm, đồng chí đề nghị UBND huyện Bác Ái sớm làm việc với doanh nghiệp và phối hợp với các sở, ngành rà soát và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 10 về tính pháp lý của việc sử dụng tài nguyên đất, nước, môi trường để có phương án thu đúng, đủ, tránh thất thoát ngân sách. Đồng thời nghiên cứu tận dụng nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nhân rộng kết quả nghiên cứu và phát triển việc trồng nấm quế linh chi ra cộng đồng.

Trước đó, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát thực tế tại mô hình nuôi cá tầm tại suối Gia Nhông; việc triển khai đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi có nguồn gốc từ VQG Phước Bình và Đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực giai đoạn 2021-2025” tại khu vườn thực vật của VQG Phước Bình.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan thực tế mô hình “Bảo tồn và phát triển nguồn gennấm quế linh chi" tại Vườn Quốc gia Phước Bình.

Cùng ngày, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Ninh Sơn nghe báo cáo kết quả thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Dự họp có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đạt 117 tiêu chí, bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân toàn tỉnh 16,06 tiêu chí/xã); toàn huyện có 5/7 xã đạt chuẩn NTM đạt 71,5%, trong đó xã Nhơn Sơn và Lương Sơn đã được công bố đạt chuẩn NTM nâng cao; theo kế hoạch năm 2023 sẽ phấn đấu xã Hòa Sơn đạt chuẩn NTM và năm 2024 phấn đấu xã Ma Nới đạt chuẩn NTM, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 có 7/7 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM góp phần đưa huyện Ninh Sơn về đích đạt huyện chuẩn NTM vào năm 2025 theo Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy đã đề ra.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ninh Sơn.

Về giải ngân vốn đầu tư, năm 2023 toàn huyện được phân bổ hơn 41,7 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và hơn 16 tỷ nguồn vốn sự nghiệp chương trình NTM. Đến nay huyện đã giải ngân trên 14,1 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 34% và trên 3,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp chương trình NTM, đạt 22,1% kế hoạch giao...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của huyện Ninh Sơn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện Ninh Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn đạt các mục tiêu và chỉ tiêu giao trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Đẩy mạnh tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, UBND tỉnh đối với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.