Theo báo cáo, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách của Trung ương và huyện, huyện Ninh Phước đã chủ động cân đối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai các dự án và tiểu dự án trong chương trình nhằm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển sản xuất; giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện bình đẳng giới…qua đó, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, năm 2022, tổng vốn ngân sách thực hiện chương trình tại huyện là 4,38 tỷ đồng, giải ngân đạt 76,36% kế hoạch; năm 2023, tổng vốn ngân sách là 9,71 tỷ đồng, giải ngân đạt 62,1% kế hoạch. Đối với xã Phước Hải, trong 2 năm 2022-2023, xã được phân bổ vốn 2,28 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 55,59% kế hoạch.
Đoàn giám sát của Ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh do đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Ninh Phước và xã Phước Hải .
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số dự án thành phần chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện; việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các dự án, tiểu dự án trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi gặp rất khó khăn; đóng góp của người dân, cộng đồng còn hạn chế.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai thực chương trình của địa phương, nhất là công tác giải ngân nguồn vốn. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, Đảng viên và người dân về ý nghĩa, mục tiêu của chương trình; chú trọng tập huấn, chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ đảm nhận thực hiện chương trình; quy trình tổ chức các khâu lập kế hoạch, điều chỉnh, triển khai chương trình phải đảm bảo công khai, minh bạch; chú trọng khâu phân bổ, quản lý nguồn lực đúng quy định và thẩm quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình; củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo chương trình.
* Cùng ngày, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (Đoàn 2) đã có buổi giám sát tại Ban Dân tộc tỉnh.
Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: K.Thùy
Trong 2 năm (2022 và 2023) thực hiện Dự án 1 và Dự án 2 thuộc Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh được phân bổ gần 87 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương phân bổ gần 67 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng là 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn phân bổ, Ban Dân tộc tỉnh thực hiện Dự án 1- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đã giải ngân trong năm 2022 gần 3 tỷ đồng, đạt 10,4% kế hoạch; tính đến ngày 21/7/2023 giải ngân được 15,5 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch. Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư nơi cần thiết, đã giải ngân trong năm 2022 được 512 triệu đồng, đạt 7,12% kế hoạch; tính đến ngày 21/7/ 2023 giải ngân được 1,7 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, việc triển khai thực hiện Chương trình còn chậm do vướng mắc trong tổ chức thực hiện, thiếu các hướng dẫn từ bộ, ngành Trung ương nên các địa phương gặp khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn; định mức hỗ trợ Dự án 2 còn thấp, nhất là định mức hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép còn thấp (60 triệu đồng/hộ) so với giá trị đất ở địa phương, nên khó khăn trong việc tạo quỹ đất đủ diện tích cấp cho 1 hộ có nhu cầu ổn định dân cư theo hình thức xen ghép.
Qua buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã trao đổi, thảo luận để làm rõ một số tồn tại, nguyên nhân, hạn chế và đưa ra các giải pháp thực hiện các dự án trong Chương trình. Đồng thời đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện Chương trình đến với người dân nhằm phát huy hiệu quả chính sách; phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ các dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định; sớm hoàn thiện báo cáo nội dung đề xuất, kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát tổng hợp gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Lê Thi-Kim Thùy