Tin tổng hợp

* Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu của tỉnh, đặc biệt là giao thông đã được cải thiện một cách rõ rệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện và có bước phát triển nhanh, mạng lưới trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm giao thông thông suốt quanh năm. Năm 1992 hệ thống giao thông của tỉnh chỉ gói gọn chưa đến 500 km, chủ yếu là 2 trục đường chính Quốc lộ1A và Quốc lộ 27, nay không gian đã được mở rộng về cả 3 hướng: Đông – Đông Bắc, phía Tây và vùng ven biển.

Một góc Tuyến đường tại khu phố 4, phường Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư đồng bộ đáp ứng tốt nhu cầu giao thương của người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Đến tháng 8/2023, các tuyến đường ven biển, cao tốc, các tuyến đường vành đai, hướng tâm, các tuyến đường đô thị, liên huyện, liên xã được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới, với tổng chiều dài trên 1.526 km, mật độ giao thông tăng nhanh từ 0,23 km/km2 năm 2000 lên 0,451 km/km2 năm 2022. Giao thông được đầu tư, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. 

* Hạ tầng thủy lợi được đầu tư đồng bộ, theo hướng đa mục tiêu. Năm 1992 toàn bộ nước sinh hoạt và sản xuất trong tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước thủy điện Đa Nhim có dung tích khoảng 165 triệu m3. Đến nay, nhiều công trình tưới, tiêu quy mô vừa và lớn được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó nổi bật là hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có dung tích 219 triệu m3.

Đập dâng Tân Mỹ tại xã Phước Hòa (Bác Ái) tích nước phục vụ cho người dân sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Nỷ

Đây là dự án hiện đại nhất cả nước hiện nay, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Nhân dân và giải quyết các vấn đề về thiên tai trên địa bàn tỉnh góp phần nâng tổng số hồ chứa trên địa bàn tỉnh lên 22 hồ chứa với tổng dung tích 520 triệu m3, tăng gấp 3,15 lần so với ngày đầu tái lập, đầu tư trên 1.474 km kênh đầu mối, kênh cấp II và hàng chục ngàn km mương cấp III, kênh mương nội đồng, nhờ đó mà tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng nhanh, từ 41,7% năm 2010 lên 62,38% năm 2022. Hệ thống hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đồng bộ, đảm bảo chủ động tưới, tiêu phục vụ sản xuất; góp phần chủ động phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư, cải thiện cảnh quan đô thị và nông thôn.