Nông dân huyện Bác Ái nỗ lực thoát nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành chức năng, người dân ở huyện miền núi Bác Ái đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Pi Năng Nhúi ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung trước đây do không có đất sản xuất nên chỉ đi làm thuê, kinh tế gia đình khó khăn. Năm 2018, gia đình ông vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội mua 2 con bò sinh sản về chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đàn bò đã phát triển lên 7 con, gia đình ông bán 2 con để sửa lại nhà cửa. Ông Nhúi chia sẻ: Từ ngày vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi bò mình tập trung phát triển kinh tế gia đình, không còn phải đi làm thuê như trước nữa, kinh tế gia đình nhờ đó ngày càng khá hơn.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi bò sinh sản với diện tích gần 3 ha của gia đình ông Mang Bích ở thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành, một điển hình trong thay đổi tư duy phát triển kinh tế của bà con Raglai nơi đây. Ông Bích cho biết: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây bấp bênh do chỉ sản xuất được một vụ vào mùa mưa với các loại cây trồng như đậu, bắp. Từ ngày xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi đã quyết định mua giống bưởi da xanh, xoài Úc, mít Thái, dừa xiêm, mãng cầu về trồng. Với kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi trồng bắp lai xen canh các loại cây ăn quả và trồng cỏ để có nguồn thức ăn tươi cho 10 con bò, nhờ đó giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng và có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã nên các loại cây trồng phát triển tốt hứa hẹn đạt năng suất cao.

Nhờ đổi mới tư duy trong lao động, sản xuất giúp kinh tế gia đình chị Kadá Thị Uyển (bên trái) ở thôn Suối Rớ, xã Phước Chính ngày càng phát triển.

Để phát triển kinh tế gia đình vợ chồng chị Kadá Thị Uyển ở thôn Suối Rớ, xã Phước Chính vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở quán tạp hóa và phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ đầu tư đung hướng, từ hộ khó khăn về kinh tế, giờ đây gia đình chị đã có của ăn, của để. Chị Uyển, chia sẻ: Hai vợ chồng tôi từ cái nghèo đi lên để có như ngày hôm nay, trong cuộc sống quan trọng nhất vẫn là nghị lực vươn lên, bởi nếu người nghèo không tự mình nỗ lực, vượt khó sẽ không thoát được nghèo.

Những hộ biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững như: Gia đình ông Pi Năng Nhúi, gia đình ông Mang Bích hay gia đình chị Kadá Thị Uyển xuất hiện ngày càng nhiều ở huyện miền núi Bác Ái. Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững kết hợp xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua huyện Bác Ái đã triển khai trên 100 mô hình, dự án hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất; triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ đầu tư sản xuất... Đây là cơ sở quan trọng giúp đồng bào Raglai huyện Bác Ái có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tiến tới giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Trong thời gian tới, Phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chính sách giảm nghèo bền vững, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, có tinh thần thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm giúp bà con có việc làm ổn định, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.