1. Mục đích
Số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và kết nối, chia sẻ dữ liệu các nền tảng số y tế; dữ liệu của người dân sau khi số hóa được bảo mật mức tối đa nhằm phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành trong ngành y tế. Đồng thời hỗ trợ, góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân; mang lại tiện ích tốt nhất cho các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, bệnh nhân và người dân, thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế tại Ninh Thuận.
2. Yêu cầu
- Lấy nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh phải được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu với thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
- Ngành Y tế có kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và có các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe.
Nhân viên Bệnh viên Đa khóa tỉnh sử dụng các thiết bị y tế hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: Văn Nỷ
Cụ thể hóa nội dung chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 17/5/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 02/02/2022 của UBND tỉnh về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 59-CTr/BCSĐ ngày 27/01/2022 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch số 2401/KH-UBND ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành nền tảng số y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Năm 2023
Đối với nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử
- Duy trì trên 92% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- 100% cơ sở y tế triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế.
- 100% cơ sở khám, chữa bệnh công bố đủ điều kiện khám sức khỏe người lái xe triển khai thực hiện kết nối liên thông dữ liệu hồ sơ khám sức khỏe người lái xe với hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải.
- 100% bệnh viện tuyến tỉnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
- 05 Bệnh viện tuyến tỉnh và 07 Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện kê đơn thuốc điện tử.
Đối với nền tảng quản lý tiêm chủng
Khai thác sử dụng có hiệu quả các nền tảng quản lý tiêm chủng bao gồm nền tảng quản lý tiêm chủng mở rộng, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Đối với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa
- 100% các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ khám, chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số.
- 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Đối với nền tảng trạm y tế xã
- 100% Trạm Y tế xã, phường triển khai hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý toàn diện các hoạt động của Trạm Y tế theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường.
- 100% cơ sở khám, chữa bệnh kết nối liên thông dữ liệu phần mềm HIS với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
- 100% các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đăng ký chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao bảo đảm hạ tầng, thiết bị, hệ thống kết nối khám, chữa bệnh từ xa.
- Cập nhật thông tin hành chính; đối chiếu, kiểm tra giám sát dữ liệu sức khỏe bảo đảm chất lượng công tác khám, chữa bệnh của người dân; nắm bắt, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân theo hộ gia đình trên địa bàn.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
- 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu thực hiện dịch vụ thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh đạt 20% trên tổng lượt thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú.
2.2. Giai đoạn 2024 - 2025
Đối với nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử
- Duy trì trên 92% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- 100% bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử, 100% trung tâm y tế tuyến huyện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
- 100% dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh được cập nhật đầy đủ lên kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Ngành Y tế có 01 kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
- Các cơ sở y tế duy trì việc thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế.
- Các cơ sở khám chữa bệnh công bố đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe duy trì thực hiện kết nối liên thông dữ liệu hồ sơ khám sức khỏe người lái xe với hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với nền tảng quản lý tiêm chủng
Duy trì khai thác sử dụng có hiệu quả các nền tảng quản lý tiêm chủng bao gồm nền tảng quản lý tiêm chủng mở rộng, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Đối với nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa
- Duy trì 100% các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện kết nối với bệnh viện tuyến trên phục vụ khám, chữa bệnh thông qua nền tảng công nghệ số.
- Duy trì 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Đối với nền tảng Trạm Y tế xã
- 100% Trạm Y tế xã, phường triển khai thành công và hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý toàn diện các hoạt động của Trạm Y tế theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Trạm Y tế xã, phường.
- Cập nhật thông tin hành chính; đối chiếu, kiểm tra giám sát dữ liệu sức khỏe bảo đảm chất lượng công tác khám, chữa bệnh của người dân; nắm bắt, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân theo hộ gia đình trên địa bàn.
- Kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin y tế, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế:
+ Dữ liệu, thông tin y tế từ tỉnh kết nối liên thông lên Bộ Y tế (theo hướng dẫn của Bộ Y tế);
+ 100% các cơ sở y tế kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, thông tin y tế đến hệ thống hồ sơ sức khỏe của tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, trục dữ liệu y tế của tỉnh;
+ 100% các Trạm Y tế xã, phường bảo đảm hạ tầng, thiết bị, hệ thống kết nối khám chữa bệnh từ xa.
Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt
Phấn đấu thực hiện dịch vụ thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh đạt 50% trên tổng lượt thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú.
2.3 . Định hướng đến năm 2030
- 100% cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập) triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
- 100% dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh được cập nhật đầy đủ lên kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Phấn đấu thực hiện dịch vụ thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám, chữa bệnh đạt 50% trên tổng lượt thanh toán viện phí ngoại trú và nội trú.
- Tích hợp công nghệ số vào dịch vụ theo dõi chăm sóc sức khỏe tại gia đình; người dân có thể đặt lịch khám và tư vấn sức khỏe qua phần mềm 24/7.
- Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa bao gồm hệ thống thông tin quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối các hệ thống ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh.
Nhiệm vụ và giải pháp
1. Nhiệm vụ
- Khởi tạo dữ liệu sức khỏe toàn dân, cập nhật tức thời, thường xuyên, đầy đủ về kho dữ liệu từ nguồn chuyên môn khám chữa bệnh, phòng bệnh; nguồn hành chính, nguồn dữ liệu bảo hiểm y tế, nguồn dữ liệu dân số…
- Kế thừa, khai thác các hệ thống cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh đã ứng dụng trên địa bàn tỉnh để triển khai giải pháp trung tâm điều hành y tế thông minh HOC, đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi số và nâng tầm bệnh viện thông minh; Đặc biệt thừa kế phát triển nhanh ứng dụng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, cập nhật bệnh án điện tử.
- Cập nhật dữ liệu sức khỏe người dân thường xuyên, liên tục, đầy đủ, chính xác và được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Kết nối, chia sẻ và khai thác sử dụng các kho dữ liệu, hệ thống thông tin.
2. Giải pháp
- Tất cả các cơ sở y tế kết nối dữ liệu khám chữa bệnh theo chuẩn dữ liệu theo Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan, hướng đến hình thành kho dữ liệu bệnh án điện tử tại đơn vị với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh.
- Dữ liệu khám chữa bệnh từ các hệ thống quản lý khám, chữa bệnh cập nhật hàng ngày, hàng giờ theo quy trình nghiệp vụ Bộ Y tế quy định tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và được truy vấn, tổng hợp, trích xuất dưới dạng biểu đồ, bảng biểu thống kê chi tiết phục vụ cho các cơ sở cấp tỉnh/huyện theo dõi để có sự chỉ đạo kịp thời trong công tác khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống dịch bệnh.
- Tất cả các dữ liệu sức khỏe của người dân được hình thành trong các đợt khám chữa bệnh được cập nhật đầy đủ lên kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Xây dựng trục cơ sở dữ liệu ngành Y tế của tỉnh để kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu y tế trên địa bàn tỉnh và liên thông dữ liệu y tế của tỉnh lên kho dữ liệu y tế của Bộ Y tế.
- Các cơ sở khám chữa bệnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
- Các cơ sở y tế triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Các cơ sở khám chữa bệnh (công lập và tư nhân) công bố đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe triển khai thực hiện kết nối liên thông dữ liệu hồ sơ khám sức khỏe người lái xe với hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải.
- Mỗi nền tảng số y tế đều phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế.
- Hỗ trợ chuyên gia, nhân sự chủ chốt về chuyển đổi số và phân công phụ trách đến từng cơ sở khám chữa bệnh để phối hợp triển khai bệnh án điện tử, các nền tảng số y tế cũng như các hệ thống thông tin chuyên ngành y tế.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế.
- Xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai nền tảng số y tế trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bao gồm: triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung khác có liên quan.
- Đầu tư kinh phí hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyển đổi số y tế, bổ sung cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm theo yêu cầu của công việc nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch này.
- Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số ngành y tế.
Tổ chức thực hiện
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
- Chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí cơ sở vật chất duy trì bảo đảm triển khai các nhiệm vụ.
- Chủ trì xây dựng dự toán hàng năm, gửi Sở Tài chính xem xét, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch. Thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.
- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc cần đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và hướng dẫn của Trung ương.
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch. Tổ chức tổng kết, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế vào năm kết thúc Kế hoạch.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Kế hoạch hằng năm theo quy định và trong khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch được phê duyệt.
- Tổ chức thẩm định dự án ứng dụng CNTT trong Kế hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nền tảng số y tế.
- Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh tổ chức triển khai kết nối thông tin từ các nền tảng số y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm; Phối hợp để hỗ trợ kết nối, đồng bộ dữ liệu của ngành Y tế vào hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, trung ương khi có yêu cầu.
- Hỗ trợ Sở Y tế trong giám sát an ninh mạng, chia sẻ thông tin về mối nguy an ninh mạng về cơ sở dữ liệu trên hệ thống trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh.
5. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện kết nối liên thông dữ liệu hồ sơ khám sức khỏe người lái xe với hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải.
6. Công an tỉnh
- Chủ trì tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức liên thông dữ liệu về thông báo lưu trú của bệnh nhân điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh trên cổng dịch vụ công Quốc gia.
- Hỗ trợ Sở Y tế trong giám sát an ninh mạng, chia sẻ thông tin về mối nguy an ninh mạng.
7. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Chủ trì tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin từ các nền tảng số y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm khai thác sử dụng theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước.
8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Xây dựng và tổ chức các chương trình truyền thông về triển khai nền tảng số y tế trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bao gồm triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử và các nội dung khác có liên quan.
9. Các sở, ban, ngành khác; UBND các huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này.
10. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận: Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia, cộng tác thực hiện các chương trình, dự án trong hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế theo Kế hoạch này.
Giao Sở Y tế theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
NT