Từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, lãnh đạo Sở Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sát hợp tình hình thực tiễn của tỉnh. Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành trên 60% mục tiêu đề ra, năng lực sản xuất một số ngành tăng khá như năng lượng tái tạo, may mặc, các dự án CN thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, tạo cơ hội phát triển CN cho 2 năm còn lại, góp phần thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Điện gió, điện mặt trời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ảnh: T.D
Đồng chí Võ Đình Vinh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để thúc đẩy ngành CN phát triển, đơn vị đã xác định công tác định hướng quy hoạch, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, tập trung chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án là cực kỳ quan trọng, nhất là dự án năng lượng. Trong giai đoạn 2021-2023, ngành đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập đề án và kiến nghị Bộ Công Thương tích hợp đề án phát triển điện gió ngoài khơi, tham mưu bổ sung mới các nguồn năng lượng, các dự án năng lượng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu ban hành các chính sách phát triển CN, thu hút phát triển mạnh CN năng lượng, cảng biển, CN chế biến chế tạo; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW, thủy điện tích năng Bác Ái, kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như: Trung tâm dịch vụ logistics; dự án Tổng kho xăng dầu Cà Ná; dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối; dự án Nhà máy sản xuất hydrogen;... tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị gia tăng ngành CN đạt trên 3.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm ước đạt 5.799 tỷ đồng, tăng 69,2% so với năm 2020; tốc độ tăng truởng bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng khá cao 19,2%; giải quyết việc làm trên 27.300 lao động, tăng 32,6% so với năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động từ 5,2 triệu đồng/tháng (năm 2020) tăng lên 6,7 triệu đồng/tháng (năm 2023).
Bên cạnh các ngành CN chủ lực như CN năng lượng, CN chế biến, ngành Công Thương còn tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển các ngành CN khác, đặc biệt đối với các ngành sản xuất tận dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu phế phẩm,... Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư 4 dự án may mặc, 1 dự án sản xuất đồ chơi trẻ em, 1 dự án chế tạo, sửa chữa kết cấu thép. Trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang thi công xây dựng nhà máy, dự kiến khánh thành vào quý IV/2023. Việc đưa vào hoạt động các dự án trong giai đoạn này là cú hích lớn góp phần thúc đẩy nhóm CN chế biến chế tạo tăng trưởng cao, nhằm bù đắp cho các sản phẩm giảm sâu, đồng thời cũng là đòn bẩy đưa CN tỉnh nhà tăng trưởng trong các năm qua, nhất là khi ngành CN năng lượng gặp phải khó khăn do vấn đề cơ chế chính sách, mặt khác còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 3.000 lao động phổ thông, ổn định an sinh xã hội, nâng cao đời sống thu nhập của một số bộ phận người lao động từ phía Nam có xu hướng về quê sinh sống sau đại dịch COVID-19.
Các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương được triển khai thường xuyên và mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các chương trình xúc tiến TM, kết nối cung cầu, chương trình hỗ trợ phát triển TM điện tử nhận được sự quan tâm, tham gia của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Giúp các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ tại hầu hết thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước và tham gia kết nối với các đối tác nước ngoài thông qua các hội nghị giao thương tổ chức trong nước; nhiều sản phẩm đã được liên kết, hợp tác tiêu thụ ổn định vào hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ đầu mối. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng TM điện tử trong hoạt động xúc tiến TM của các doanh nghiệp, cơ sở, hình thành và đưa vào vận hành sàn TM điện tử “sanphamninhthuan.vn” nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn, phát huy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tham mưu tỉnh ban hành Quyết định về dự án đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm TM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm định hướng phát triển hệ thống hạ tầng TM trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1 trung tâm TM, 5 siêu thị, 103 chợ, 130 cửa hàng xăng dầu và 34 cửa hàng tiện lợi, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất và TM, phát triển thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng ngành Công Thương cũng gặp phải nhiều khó khăn như tiến độ thực hiện một số dự án nguồn và lưới điện chưa đảm bảo mục tiêu; hoạt động xuất khẩu, các sản phẩm OCOP, đặc thù còn khó khăn về thị trường tiêu thụ; sản xuất CN chưa tạo bứt phá trong tăng trưởng, đầu tư hạ tầng cụm CN triển khai chậm, tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Nguyên nhân các khó khăn trên là do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khiến thị trường tiêu thụ bị hạn chế; vẫn còn vướng mắc về thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, giá điện chậm ban hành; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về nhân lực, tài chính.
Trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra như: Giá trị sản xuất CN và giá trị gia tăng ngành CN tăng 17-18 %/năm; tỷ trọng ngành CN chiếm 29-30% giá trị GRDP toàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 15-16%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến TM, tăng cường kiểm tra, thanh tra lĩnh vực công thương, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường.
Hồng Nguyệt