* Ông Trương Thanh Đạm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Phước, cho biết: Bước vào năm học 2023-2024, địa phương huy động các nguồn lực 58,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới 77 phòng học với diện tích sử dụng trên 7.200 m2, thuộc 9 đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Nguồn vốn do chương trình đổi mới giáo dục của tỉnh hỗ trợ và ngân sách huyện đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho trên 22.000 học sinh.
Trường TH Mỹ Nghiệp (Phước Dân) hoàn thành 9 phòng học đưa vào sử dụng năm học mới 2023-2024, đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho 442 học sinh. Ảnh: S.Ngọc
* Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển ngành thương mại - dịch vụ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cốt lõi là phát triển đô thị du lịch giai đoạn 2021-2025, đến nay công tác đầu tư phát triển và quản lý chợ, trung tâm thương mại - siêu thị trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả. Hệ thống chợ phát triển theo quy hoạch; cơ sở vật chất của các chợ được xây dựng, cải tạo từng bước đưa các chợ trên địa bàn đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, chợ an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Siêu thị Coopmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Hoạt động các chợ trên địa bàn giữ được sự ổn định, góp phần vào công tác bình ổn thị trường. Địa phương tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển chợ theo hình thức xã hội hóa, như: Đầu tư mở rộng chợ Nông sản Phan Rang với quy mô 20.000m2; đầu tư nâng cấp toàn bộ gian hàng chợ đêm du lịch Ninh Thuận; đầu tư xây dựng mới chợ Đông Hải; công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ được tiếp tục quan tâm thực hiện. Các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng phát triển về quy mô và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 6 siêu thị, 16 siêu thị mini Vimart, cửa hàng tiện lợi của chuỗi Bách hóa xanh…
* Thành ủy Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tập trung chỉ đạo khai thác lợi thế vùng biển để phát triển du lịch biển, trọng tâm là phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch văn hóa, tâm linh. Tập trung quy hoạch và triển khai phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng, nâng cấp, mở rộng các khu vui chơi, giải trí nhằm thu hút khách du lịch, như: Công viên 16 tháng 4, công viên biển Bình Sơn,... Bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử văn hóa như tháp Poklong Garai và các di tích khác đưa vào phục vụ du lịch. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 139 cơ sở lưu trú, tăng 37 cơ sở so với năm 2021 với 2.555 phòng buồng, trong đó có 5 cơ sở đạt chuẩn 3 sao trở lên.
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Ảnh: Văn Nỷ
Số lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố tăng qua 2 năm. Năm 2021, đón 855.000 lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 565.5 tỷ đồng (giảm gần 44% so với cùng kỳ năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp). Năm 2022, đón 1.680.000 lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 980 tỷ đồng. Phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp quản lý di tích gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch; phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch, đưa Phan Rang-Tháp Chàm trở thành điểm đến của du khách.
Xuân Bính