Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,
Quân đội Nhân dân Việt Nam trao tặng Bức trướng của Ban Bí thư cho VAVA.
Ảnh: Chinhphu.vn
Sáng ngày 8/7, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ II và Lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì. Đồng thời, nhiều tổ chức, cá nhân của VAVA được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Phong trào thi đua vì nạn nhân chất độc da cam phát động được VAVA phát động từ ngày 12/2/2007. Tại Hội nghị, những tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn với những nghị lực phi thường của các nạn nhân da cam đã được tôn vinh như chị Phạm Thị Nhí (TP Hồ Chí Minh) với nguyện vọng được hiến xác cho y học, Lương y Nguyễn Văn Thiệu (Thái Bình), bà Cao Thị Tú (Kon Tum) với những nghĩa cử cao đẹp, chị Khổng Thị Thúy (Bắc Giang) học giỏi, kiên trì phấn đấu vượt lên số phận…
Những nạn nhân da cam hoàn toàn có thể tự hào về các cựu chiến binh Ngô Hưng Toàn (Nghệ An), Phạm Bá Phán (Bình Phước), Trần Thanh Quang (Phú Yên)… không những nỗ lực cố gắng ổn định phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập cho những người cùng cảnh ngộ ở địa phương.
Hội nghị cũng tuyên dương những thành viên của VAVA đã kêu gọi vận động nguồn lực toàn xã hội, giúp giảm bớt gánh nặng, khó khăn và đau khổ cho nạn nhân chất độc da cam.
Cho đến nay, đã vận động quyên góp được 223 tỷ đồng, trong đó hơn 33 tỷ từ cá nhân, tổ chức nước ngoài. Trong số này đã có 167 tỷ đồng được chi để chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân da cam.
Nhờ có hoạt động tích cực của các tình nguyện viên, nhận thức của xã hội về nỗi đau da cam đã rộng hơn, sâu hơn. Từ đó, ý thức trách nhiệm, sự chia sẻ, đồng cảm với nạn nhân da cam của xã hội đã thay đổi rất nhiều.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA cho rằng Hội nghị là cuộc hội ngộ đẹp đẽ, xúc động của những tấm gương tiêu biểu cho ý chí vượt khó của nạn nhân chất độc da cam, tiêu biểu cho tinh thần vì nạn nhân chất độc da cam của đội ngũ cán bộ hội, tiêu biểu cho “tấm lòng thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định nỗi đau của các nạn nhân da cam là nỗi đau của toàn dân tộc. Đảng và nhà nước đã và đang tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với các nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân và gia đình.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cùng với lòng nhiệt tình, tâm huyết của thành viên VAVA, việc chăm sóc, chia sẻ nỗi đau với nạn nhân da cam là trách nhiệm của toàn xã hội, và mỗi cá nhân, tập thể cần chung tay góp phần xoa dịu nỗi đau da cam một cách mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa.
Nguồn www.chinhphu.vn