Thay đổi công nghệ, bớt phụ thuộc vào lao động thủ công cũng là một giải pháp
cho doanh nghiệp khi lao động khan hiếm - Ảnh: H.T.V.
Bài toán thiếu lao động đang làm đau đầu các doanh nghiệp, nhưng cũng chính từ đấy đặt ra vấn đề cần có ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục vấn nạn này.
Đồng lương chưa sống được
Công ty Vinarack (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sau khi thông báo tuyển 130 công nhân cơ khí, lao động phổ thông, thợ công trình với mức lương 1,8-2,5 triệu đồng/tháng, nhưng đến nay bà Như Quỳnh - bộ phận nhân sự của công ty - cho hay “chỉ mới tuyển được chưa đến 10 người”. Chung tình trạng trên là Công ty Perstima (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), Công ty nội thất Sinh Động (Q.12, TP.HCM)... Một số vị trí tuyển có mức lương 2-2,5 triệu đồng/tháng vẫn không có người ứng cử. Đó là tình trạng chung của các công ty sử dụng nhiều lao động hiện nay.
Trong khi đó, cách đây chừng 10 năm về trước, được làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) là niềm ao ước của nhiều công nhân thì nay chính khu vực này cũng đang thiếu lao động gay gắt.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm các KCX-KCN TP.HCM, cho biết hiện đang cần 2.500 công nhân làm cho ngành điện tử, chuyên lắp dây điện xe hơi (thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng trở lên), 500 công nhân ngành linh kiện máy may, cơ khí (thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng trở lên), 2.000 công nhân bao bì, may công nghiệp (thu nhập 3 triệu đồng/tháng trở lên), 100 kỹ thuật viên cơ khí, hàn... nhưng vẫn tìm đỏ mắt.
“Tình trạng khan hiếm lao động diễn ra từ 5-7 năm nay, mặc dù các doanh nghiệp đã hạ chuẩn chỉ cần bằng tốt nghiệp THCS thay cho THPT, nới rộng độ tuổi trên 35 nhưng vẫn khó tuyển”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quá (quê Nghệ An), thợ xây dựng làm trong một công trình ở Q.9 (TP.HCM), cho biết với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng thì những người có tay nghề và kinh nghiệm như anh “không mặn mà gì”. Anh giải thích: “Một ngày công của tôi hiện là 250.000 đồng, lại được bao ăn. Ngay cả ngày công của phụ hồ nay cũng đã là 180.000 đồng thì các công ty trả lương như vậy ai mà làm được. Không phải người lao động làm giá, chỉ vì đời sống khó khăn, làm không đủ ăn thì ai mà lao vào làm”.
Giải pháp căn cơ
Ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng phòng quản lý Công ty Mtex, nhìn nhận: chỉ khi doanh nghiệp đảm bảo thu nhập cho người lao động sống được thì mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay. Ngoài ra, trong tình hình lao động khan hiếm, khó tuyển, theo ông, doanh nghiệp cũng cần đầu tư công nghệ, giảm dần các khâu thâm dụng lao động, bố trí lao động hợp lý để tăng năng suất, tăng hiệu quả. Đó mới là các giải pháp căn cơ.
Trong cuộc hội thảo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển các KCX-KCN TP.HCM trong giai đoạn mới vừa được Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM tổ chức, các nhà chuyên môn về đào tạo, thị trường lao động đã đặt vấn đề doanh nghiệp cần xây dựng chính sách nhân sự để đảm bảo nguồn nhân lực cho mình.
“Đó là kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân sự gắn với sự phát triển của doanh nghiệp. Lâu nay mỗi khi thiếu lao động là doanh nghiệp chỉ việc đăng báo tuyển khắp nơi. Tuyển được rồi cứ vậy mà dùng, ít doanh nghiệp nào có kế hoạch đào tạo thêm. Rồi khi thải người này tiếp tục tuyển người khác. Việc đó làm cho nguồn nhân lực hao mòn, không phát triển và doanh nghiệp luôn bị động” - ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, bày tỏ.
Ông Nguyễn Tấn Định, phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, cho biết giai đoạn 2011-2015 nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong các KCX-KCN là 100.000 lao động. Cho rằng đồng lương đang có vai trò rất quan trọng trong việc tuyển dụng nhân công, ông Định cho biết: “Ban quản lý sẽ kiến nghị với Bộ Lao động - thương binh & xã hội đẩy nhanh lộ trình tăng lương để nâng cao đời sống công nhân, tìm kiếm nhân lực cho các doanh nghiệp”.
Những lựa chọn khác
Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (Thành đoàn TP.HCM), cho biết hiện tại người lao động đang có xu hướng chuyển sang xin việc ở các ngành nghề dịch vụ. “Sự năng động trong môi trường làm việc và thu nhập thường cao hơn nên lĩnh vực này hấp dẫn người lao động so với các công ty, nhà máy”, ông Sang đánh giá.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, người lao động hiện nay có nhiều cơ hội về việc làm nên họ sẽ chọn nơi tốt nhất. Thậm chí khi nghỉ việc nơi này nơi nọ họ vẫn rất dễ tìm công việc tạm thời.
“Đó là chưa kể với nhiều người, khi cuộc sống ở thành phố không đủ đảm bảo thì họ quay trở về tỉnh nhà, ở đó cũng có các KCN đang mọc lên, mức lương tuy không cao nhưng giá cả sinh hoạt thấp lại được gần nhà nên chất lượng cuộc sống được bảo đảm”, ông Tuấn nói.
Nguồn Tuổi trẻ