Thực hiện Quyết định số 1910/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gói thầu trang bị bể bơi di động để phục vụ dạy bơi năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã trang bị 25 bể bơi di động cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai và cá nhân tài trợ 2 bể bơi cho các trường. Đối với UBND các huyện, thành phố, cam kết đầu tư hoàn thiện về hạ tầng để lắp đặt bể bơi như: Nền, tường rào, mái che, phòng thay đồ, điện, nước và giáo viên dạy bơi. Trong 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà trường thực hiện giãn cách xã hội, học tập trực tuyến nên tạm thời không sử dụng bể bơi di động. Khó khăn, vướng mắc hiện nay là: Không có giáo viên có chuyên môn về môn bơi; không có nguồn tài chính để chi cho điện, nước, xử lý nước, vệ sinh bể bơi định kỳ; bể bơi dễ đóng rong phần đáy, việc dùng thuốc xử lý nước không đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh vì không có chuyên môn…
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT sớm tổ chức các buổi làm việc với UBND các huyện, thành phố để xác định, thống nhất nhu cầu đầu tư xây dựng bể bơi di động phục vụ dạy bơi tại các trường học; có hướng dẫn chung cho toàn tỉnh về việc đưa nội dung môn bơi vào chương trình dạy học, đào tạo chuyên môn cho giáo viên, vận hành sử dụng bể bơi; tham mưu bổ sung khoản thu dạy bơi vào Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương nỗ lực duy trì hoạt động 27 bể bơi; kêu gọi xã hội hóa xây dựng bể bơi đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Lâm Anh