Thuận Bắc: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Thuận Bắc phấn đấu đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đến huyện Thuận Bắc trong những ngày đầu tháng 8, chúng tôi ghi nhận sự đổi thay rõ nét về kết cấu hạ tầng nông thôn, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đồng bộ từ vùng đồng bằng đến miền núi. Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh phân bổ kinh phí 79,6 tỷ đồng và vốn huy động gần 2,2 tỷ đồng từ nhân dân, huyện thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng 10 tuyến đường giao thông, 6 công trình thủy lợi, xây dựng 7 công trình nhà văn hóa, 1 công trình hạ tầng điện phục vụ sản xuất, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình làm việc của các cơ quan, đơn vị...

Một góc cơ sở hạ tầng giao thông tại trung tâm huyện Thuận Bắc.Ảnh: Văn Nỷ

Với quan điểm xây dựng NTM phải đảm bảo liên tục, toàn diện, hiệu quả, bền vững và nâng cao, trong những năm qua, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể đưa nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đáng ghi nhận, mặc dù có gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng với sự linh hoạt, đa dạng trong công tác tuyên truyền, phong trào chung sức xây dựng các công trình phúc lợi được người dân hưởng ứng tham gia. Điển hình như xã Phước Kháng, dựa trên cơ sở quy hoạch về hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng trong đề án xây dựng NTM của xã, bên cạnh vốn hỗ trợ Nhà nước, xã tích cực vận động người dân góp sức cùng làm để đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn có hàng chục hộ gia đình trực tiếp hiến gần 2.800 m2 đất và một số hộ tự nguyện phá dỡ hàng rào, lùi một phần đất canh tác, tham gia nhiều ngày công lao động để thi công mở rộng đường. Đến nay, xã có trên 9,2 km đường giao thông đã được bê tông; hơn 2,3 km kênh mương được nâng cấp, xây mới, giúp chủ động nước tưới cho 90% diện tích sản xuất. Cùng với đó, phong trào thi đua phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường, hoạt động văn nghệ, thể thao được phát triển rộng khắp trong khu dân cư, từng bước hình thành nếp sống văn minh, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.

Bên cạnh xây dựng các công trình hạ tầng, huyện Thuận Bắc còn tập trung đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, đáng kể như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa trên 1.300 ha, nhân rộng 4 cánh đồng lớn sản xuất lúa, quy mô 288,6 ha; mô hình trồng mãng cầu dai 15 ha, tưới tiết kiệm nước trên rau màu 8 ha... Đặc biệt, huyện còn tổ chức quy hoạch vùng chuyển đổi cây trồng hợp lý gắn với đầu tư hệ thống kênh mương, đường điện, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Ông Đinh Thiên Hoàng, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, chia sẻ: Tại cánh đồng Rẫy Sở trước đây chỉ chuyên trồng lúa, 4 năm trở lại đây vùng này được xã định hướng người dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày và đến nay trở thành vùng chuyên trồng rau màu quanh năm. Nhờ ổn định nước tưới, cây trồng phát triển tốt, mỗi vụ thu hoạch cho năng suất cao, bà con rất phấn khởi.

Thi công đường giao thông nông thôn tại xã Phước Chiến (Thuận Bắc).

Theo kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đến cuối năm 2022, toàn huyện đạt bình quân 16,33 tiêu chí/xã; trong đó, có 3 xã: Công Hải, Bắc Phong, Lợi Hải đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; còn lại các xã Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến đạt bình quân từ 13-16 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thuận Bắc còn gặp những khó khăn nhất định như: Công tác huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, trình độ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất của người dân còn hạn chế; một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới khó thực hiện, chưa phù hợp với đặc thù địa phương.

Nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế trên, theo đồng chí Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, địa phương sẽ tiếp tục triển khai lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện từng nội dung thành phần của chương trình. Ngoài thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ bản, huyện tập trung ưu tiên đầu tư có trọng trọng tâm, trọng điểm các nhóm tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, vệ sinh môi trường, an ninh trật tư. Cùng với đó, chú trọng nguồn lực để hỗ trợ xã Bắc Sơn đạt chuẩn NTM và xã Bắc Phong đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.