Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh đã bố trí cho các ngành, các địa phương hơn 158,9 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng NTM. Qua đó, kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Các địa phương đầu tư 43 công trình, trong đó 28 công trình chuyển tiếp và 15 công trình mới với tổng vốn gần 93,1 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trực tiếp từ chương trình, các địa phương chủ động lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác số tiền hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời vận động nhân dân hiến 1.775 m2 đất để làm đường giao thông.
Diện mạo nông thôn mới xã Phước Thuận (Ninh Phước) ngày càng khang trang. Ảnh: Tiến Mạnh
Cùng với phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện. Trong sản xuất nông nghiệp đã thực hiện được 57 chuỗi liên kết, giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định; các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao được nhân rộng với tổng diện tích 1.337 ha. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng NTM, các ngành, địa phương đã hỗ trợ các chủ thể OCOP đưa 11 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải); mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) bước đầu triển khai có hiệu quả.
Nỗ lực của các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nhất định. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 31/47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 40/254 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM nâng cao. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế trong thực hiện chương trình. Cụ thể, nhiều địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM nhưng không về đích theo kế hoạch; chất lượng tiêu chí vẫn còn ở mức thấp, mới đủ đạt chuẩn theo quy định. Nhiều xã đạt chuẩn giai đoạn trước không duy trì, giữ vững được 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025. Kết quả xây dựng NTM ở thôn chưa đồng đều, vẫn còn một số huyện chưa có thôn đạt chuẩn NTM như Bác Ái, Thuận Bắc...
Rau thủy canh của hội viên nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) đã có mặt trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ảnh: Anh Thi
Đối với bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình chưa đảm bảo theo tỷ lệ quy định 1:1,5. Năm 2023, các huyện Bác Ái, Thuận Bắc chưa bố trí vốn đối ứng của huyện theo quy định (huyện Bác Ái gần 3,3 tỷ đồng, huyện Thuận Bắc hơn 1,9 tỷ đồng). Nguyên nhân do nguồn vốn chương trình phân bổ chậm, phần lớn các huyện đã phân bổ vốn từ đầu năm nên bị động trong việc bố trí vốn đối ứng. Trong khi đó, giải ngân vốn chương trình đạt thấp, năm 2023 mới giải ngân được hơn 8,7 tỷ đồng/65,8 tỷ đồng, đạt 9,41%; các nội dung, hạng mục thực hiện đang triển khai lập dự toán trình phê duyệt nên chưa thể giải ngân.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành trung ương về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn xây dựng NTM tại địa phương. Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo và giúp việc để tổ chức triển khai, thực hiện chương trình đạt hiệu quả. Chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao tiếp tục thực hiện nâng mức đạt tiêu chí đảm bảo duy trì, giữ vững chất lượng tiêu chí, đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Để đáp ứng yêu cầu tiêu chí về quy hoạch trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp cùng các địa phương rà soát, hướng dẫn, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đáp ứng theo yêu cầu, quy định của tiêu chí. Riêng huyện Thuận Nam, xem xét, phân bổ nguồn vốn thực hiện quy hoạch cho các xã theo đúng phương án phân bổ là 200 triệu đồng/xã để đảm bảo đánh giá các xã đạt tiêu chí quy hoạch vì hiện nay quy hoạch của các xã đều đã hết thời hạn, không đáp ứng yêu cầu tiêu chí quy hoạch mới. Đối với xã Phước Dinh là xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2023 nhưng không triển khai lập quy hoạch mới hoặc điều chỉnh, bổ sung là chưa phù hợp với quy định của tiêu chí.
Theo Sở Công Thương, hiện nay nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Đề án nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm mỗi năm chỉ hỗ trợ 1 chợ, trong khi qua rà soát thì các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Do đó, các địa phương cần huy động, lồng ghép, xã hội hóa nguồn lực khác để thực hiện tiêu chí này. Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có bổ sung nhiều nội dung mới so với giai đoạn trước, như: Phải có Tổ khuyến nông cộng đồng, có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, có vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng, có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, có mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị, vì vậy các địa phương quan tâm thực hiện, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí.
Năm 2023, tỉnh ta phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 4-5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15% số thôn đạt chuẩn NTM. Để thực hiện đạt mục tiêu, ngoài sự đồng thuận của người dân, cần có sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành được phân công hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM thực hiện tiêu chí theo lĩnh vực phụ trách.
Anh Tùng