Số ca sinh của Trung Quốc có thể giảm mạnh còn 7 triệu ca trong năm nay

Theo một học giả y tế hàng đầu ở Trung Quốc, số ca sinh của nước này có thể giảm xuống dưới 8 triệu ca trong năm nay, mức thấp kỷ lục và càng làm lu mờ triển vọng nhân khẩu học ảm đạm của đất nước.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tại diễn đàn đổi mới công nghệ y tế hôm 7/8, bà Qiao Jie, Trưởng khoa Khoa học Y tế tại Đại học Bắc Kinh, ước tính số ca sinh trong năm 2023 chỉ ở khoảng 7 triệu đến 8 triệu ca.

Bà nhấn mạnh số trẻ sơ sinh đã giảm khoảng 40% trong 5 năm qua và việc cải thiện khả năng sinh sản của phụ nữ là chìa khóa để tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc.

Số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã giảm khoảng 40% trong 5 năm qua. Ảnh minh họa: Getty Images

Minh chứng cho tình hình ngày càng tồi tệ này, bà Quiao cho biết năm 2022, Trung Quốc đã ghi nhận số ca sinh thấp nhất trong lịch sử hiện đại, ở mức 9,56 triệu ca. Đây là năm đầu tiên con số này giảm xuống dưới 10 triệu ca.

Tỷ lệ sinh giảm mạnh của nền kinh tế lớn nhất châu Á trong những năm gần đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Có thông tin cho rằng dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người vào năm 2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 1961. Hồi tháng 4, Liên hợp quốc cho biết Ấn Độ đang trên đà vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tình trạng suy giảm dân số ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, như xã hội già hóa sâu sắc, nhu cầu về nhà ở và thị trường tiêu dùng giảm, lực lượng lao động bị thu hẹp và những thách thức về lương hưu.

Mặc dù giới chức đã đưa ra rất nhiều biện pháp và khẩu hiệu khuyến khích sinh đẻ, các chuyên gia nhân khẩu học thừa nhận điều đó khó có thể gây tác động ngay lập tức. Họ cho rằng Trung Quốc nên chấp nhận và thích nghi với tình hình mới.

Bên cạnh đó, bà Qiao chỉ ra rằng khả năng sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Ở Trung Quốc, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng giảm, tỷ lệ vô sinh gia tăng và tỷ lệ mang thai bất thường cũng cao.

Trẻ em đến khu vui chơi tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, những trở ngại kỹ thuật cũng gây khó khăn cho việc cải thiện khả năng sinh sản của phụ nữ. Hiện nay, các thiết bị y tế hỗ trợ sinh sản đắt tiền vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Bà Qiao cho kêu gọi nhà chức trách cần đầu tư nhiều hơn để tăng cường nghiên cứu phòng chống bệnh tật cho phụ nữ và trẻ em.

Khi tỷ lệ sinh giảm mạnh, số trường mẫu giáo ở Trung Quốc đã giảm 5.610 xuống còn 289.200 trường vào năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2008.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, số học sinh đăng ký học mẫu giáo và mầm non cũng đã giảm 3,7% so với một năm trước đó, xuống còn 46,3 triệu vào năm 2022.

Năm ngoái, việc làm ở thành thị của Trung Quốc đã giảm 8,4 triệu xuống còn 459,31 triệu, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong vòng 6 thập kỷ. Và khi dân số trong độ tuổi lao động giảm, tỷ lệ tham gia lao động cũng giảm xuống và các công ty phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

Ngoài các biện pháp khuyến khích sinh đẻ thông thường như thưởng tiền mặt, nghỉ phép sinh con và trợ cấp nhà ở, chính quyền ở nhiều địa phương Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều chính sách khác nhau để khuyến khích người dân sinh thêm con, nhưng kết quả không khả quan.

Các chuyên gia lập luận rằng các trường đại học ở Trung Quốc nên hỗ trợ các sinh viên học hệ thạc sĩ và tiến sĩ muốn lập gia đình, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và chính sách phúc lợi phù hợp.

Song trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và triển vọng mờ mịt, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang trì hoãn kết hôn và có cách tiếp cận cuộc sống thụ động hơn. Năm ngoái, số lượng người đăng ký kết hôn đã giảm xuống còn 6,83 triệu, đánh dấu mức giảm hàng năm thứ 9 liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1970.

Theo TTXVN/Báo Tin tức