Tháng Bảy về với Mẹ

Những trang sử vàng vẻ vang của dân tộc không chỉ được viết nên bằng lòng quả cảm của những người anh hùng không tiếc máu xương cho độc lập, tự do mà phía sau đó còn được tiếp sức bởi sự hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) nơi hậu phương - Người đã từng nén đau thương, gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường theo tiếng gọi của non sông, phụng sự cho đất nước rồi mãi mãi không về.

Tháng Bảy về với mẹ, về nghe câu chuyện kể của Mẹ VNAH góp phần làm nên những trang sử vàng, lưu danh muôn đời.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải (Ninh Hải). Ảnh: Mỹ Dung

Trong ánh nắng buổi chiều ngả vàng hòa cùng những cơn gió nhẹ phảng phất từ những cánh đồng muối ở thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải (Ninh Hải), nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu luôn rôm rả tiếng cười đùa của con cháu và hàng xóm xung quanh. Dẫu chưa xưng hô, giới thiệu mình là ai, nhưng khi vừa tới ngõ chúng tôi đã được Mẹ tay bắt mặt mừng hỏi thăm. Ngoài sự xúc động ra, chúng tôi càng cảm mến hơn sự hào sảng và hiểu rằng nhờ những đức tính cao đẹp này đã giúp biết bao đoàn quân cách mạng được Mẹ nuôi giấu, tránh tai mắt kẻ thù thành công. Năm nay, mẹ Thiểu đã 94 tuổi, tóc Mẹ đã bạc, trong ký ức xưa đã một phần Mẹ không còn nhớ, nhưng nhắc đến chồng và con trai hy sinh thì tuyệt nhiên Mẹ không hề quên. Mẹ kể rằng, Mẹ di cư từ Quảng Trị vào đây khi còn đôi mươi, vì cùng chung lý tưởng cách mạng, mà Mẹ thấy thương rồi kết hôn với ông Võ Chắc. Ngày ấy, ông Chắc làm công tác xây dựng phong trào cách mạng ngay tại địa phương. Còn Mẹ thì nuôi giấu cán bộ tại hầm bí mật của gia đình. Trong những ngày còn chiến tranh, những cán bộ được Mẹ che giấu đều bình an. Nhưng ông Chắc thì lại không được may mắn như vậy, ông hy sinh vào năm 1962, để lại Mẹ và 4 người con thơ dại. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ Thiểu tiếp tục tảo tần nuôi nấng các con trưởng thành. Và rồi vào năm 1971, nối gót truyền thống anh hùng của gia đình, anh Võ Văn Dân, người con thứ 3 của Mẹ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cách mạng tại Huyện đội Thuận Bắc. Ngày ấy dù lo lắng rất nhiều nhưng Mẹ luôn động viên con vững vàng, một mực trung thành với Đảng. Nhờ những lời của Mẹ dặn, anh Dân luôn hăng hái xông pha trên mọi mặt trận. Tuy nhiên vào một ngày cuối năm 1972, một lần nữa Mẹ bàng hoàng nhận được tin báo anh Dân đã hy sinh tại Bàu Cổng, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, lúc ấy tim Mẹ thắt lại. Thời gian dần trôi, vượt lên nỗi đau, Mẹ tự động viên bản thân mình rằng sự hy sinh, kết thúc của chồng và con lại là khởi đầu và là nền móng góp phần cho sự nghiệp chiến thắng quân xâm lược.

Tạm biệt và chúc mẹ Thiểu luôn dồi dào sức khỏe, chúng tôi tiếp tục chặng hành trình đến thăm Mẹ VNAH Thái Thị Huề, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Trong năm tháng đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược, cũng như bao người vợ, người mẹ khác, mẹ Huề lặng lẽ tiễn chồng và các con đi chiến đấu. Năm 1964, chồng Mẹ là ông Thái Văn Trác hy sinh. Nỗi đau trong lòng Mẹ chưa kịp nguôi ngoai thì 2 người con trai là Thái Văn Hiển (hy sinh 1968) và Thái Văn Hiền (hy sinh 1975) cũng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Bản thân Mẹ cũng là người tham gia kháng chiến, rồi dạy bình dân học vụ. Quá nửa đời Mẹ sống dưới mưa bom, bão đạn, tháng ngày gian khổ ấy, thiếu thốn đủ đường nhưng Mẹ vẫn tần tảo khuya sớm nuôi con, giáo dục con những bài học về tình yêu đất nước, rồi khi hòa bình lập lại Mẹ tiếp tục lao động xây dựng quê hương. Giờ đây Mẹ đã 103 tuổi, ký ức không còn rõ nét bởi tuổi tác đã khiến Mẹ quên đi nhiều điều trong quá khứ. Anh Thái Văn Tùng, con trai mẹ Huề, chia sẻ: Mẹ tuổi cao nên sức khỏe cũng yếu đi nhiều, không thể trò chuyện, gia đình luôn túc trực chăm sóc Mẹ trong sinh hoạt hằng ngày. Đảng và Nhà nước quan tâm đến gia đình tôi rất chu đáo. Ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm, chăm sóc Mẹ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Những ngày lễ, Tết đến động viên, gia đình rất vui.

Đoàn viên, thanh niên và học sinh huyện Thuận Nam thăm Mẹ VNAH Lê Thị Hự ở xã Cà Ná.Ảnh: Diễm My

Mẹ Thiểu, mẹ Huề là hình ảnh đại diện cho 518 Mẹ trên địa bàn tỉnh ta vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ VNAH, trong đó, hiện có 3 Mẹ vẫn còn sống. Dù năm tháng đã đi qua nhưng những hy sinh vô cùng to lớn của các Mẹ VNAH vẫn sẽ sống mãi. Lòng biết ơn xen lẫn sự cảm phục khiến chúng tôi càng thêm tự hào về các Mẹ và những câu chuyện của Mẹ như lời nhắn nhủ những thế hệ chúng tôi hôm nay không bao giờ quên quá khứ hào hùng, oanh liệt và rất đỗi tự hào của dân tộc.