Hãng sản xuất ô tô của Mỹ General Motors Co. và công ty mẹ của nhà sản xuất xe điện BYD Auto Ltd. của Trung Quốc đã phải thực hiện một bước đi hiếm hoi khi trực tiếp tiếp cận nguồn cung và mua cổ phần tại các mỏ khai thác lithium. Một số hãng xe điện khác thì đang đầu tư vào các hoạt động chiết xuất lithium hoặc đầu tư vào các hoạt động tái chế nguyên liệu này từ pin đã sử dụng.
Ford Motor Co. - nhà sản xuất ô tô đa quốc gia có trụ sở chính tại thành phố Dearborn, bang Michigan (Mỹ), đã ký các hợp đồng lên đến 11 năm với các nhà cung cấp lithium ở hai lục địa. Trong khi đó, Volkswagen AG - nhà sản xuất ô tô đa quốc gia của Đức và Honda Motor Co. - tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia của Nhật Bản đang nỗ lực giảm thiểu nhu cầu đối với những mỏ quặng lithium mới. Thay vào đó, hai hãng này nhắm đến việc thiết lập những liên doanh tái chế nguồn nguyên liệu này.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lithium có thể sẽ trở thành rào cản đối với các kế hoạch thúc đẩy mạnh doanh số bán hàng vốn kỳ vọng sẽ lên đến hàng chục triệu chiếc mỗi năm. Tại một hội nghị do ngân hàng lớn nhất của Đức Deutsche Bank tổ chức hồi giữa tháng 6/2023, Giám đốc tài chính của General Motors (GM) Paul Jacobson nhận định tình trạng thiếu nguồn cung lithium đặt ra nguy cơ và khó khăn đối với các hãng sản xuất xe ô tô điện. Vì vậy, ông Jacobson cho rằng các nhà sản xuất xe cần thiết lập mối quan hệ với những đối tác mà có thể cung cấp lithium ở dạng mong muốn.
Sản lượng khai thác lithium trên phạm vi toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần trong thập kỷ này. Thế nhưng, mức tăng trưởng 55% doanh số bán hàng các dòng xe thể thao điện hồi năm 2022 lại làm gia tăng nhu cầu nguồn cung lithium đến mức ngay cả mức sản lượng trên cũng sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất những loại xe này. Theo tính toán, ngoài những nguyên vật liệu khác, mỗi pin xe điện cần khoảng 8 kg lithium.
Ông Joshua Cobb - nhà phân tích cấp cao về lĩnh vực ô tô thuộc công ty nghiên cứu BMI - nhận định sẽ thiếu hụt nguồn cung pin cho xe điện. Trong khi đó, chính phủ các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, coi nguồn cung kim loại cho ngành sản xuất các phương tiện chạy bằng điện là một vấn đề mang tính chiến lược, theo đó đang thắt chặt kiểm soát đối với khả năng tiếp cận những nguồn cung này. Một số nước như Indonesia, Chile và Zimbabwe lại đang nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào lithium khi yêu cầu các nhà điều hành mỏ đầu tư vào công đoạn chiết xuất và xử lý trước khi xuất khẩu.
Trong một báo cáo hồi năm ngoái, nhà phân tích Leonardo Paoli và Timur Gul thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định ngành công nghiệp sản xuất xe điện có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt lithium sớm nhất vào đầu năm 2025 nếu không đủ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất loại tài nguyên này. Cảnh báo này được đưa ra ngay cả khi sản lượng khai thác và chiết xuất lithium gia tăng. Lý do là ngay cả khi đổ vốn đầu tư vào sản xuất và chiết xuất lithium thì quá trình phát triển các nguồn nguyên liệu này kéo dài nhiều năm liền. Nếu nhu cầu sản xuất và kinh doanh xe điện tiếp tục tăng trưởng thì nhu cầu sản xuất lithium dự báo sẽ tăng lên mức 3 triệu tấn mỗi năm.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nguồn tài nguyên lithium trên toàn thế giới ước tính vào khoảng 80 triệu tấn. Trong đó, Bolivia có trữ lượng lớn nhất với khoảng 21 triệu tấn, tiếp theo là Australia và Chile với lần lượt 17 triệu tấn và 9 triệu tấn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức