Trong 5 năm 2018-2022, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã phê duyệt 41 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn (chuỗi liên kết cây lúa, bắp, măng tây, nho, hành tím…) với tổng kinh phí thực hiện là 21,71 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ 15,44 tỷ đồng cho các bên tham gia liên kết. Đến cuối năm 2022 có 61 liên kết sản xuất trồng trọt theo chuỗi giá trị và tính đến thời điểm hiện nay là 68 liên kết chuỗi giá trị; có 43 liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ được 15 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Có 37 HTX nông nghiệp chiếm 45,7% HTX đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và 3 Tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Người dân sau khi ký hợp đồng liên kết đã được cung ứng giống, vật tư, tập huấn, sản xuất và cung ứng sản phẩm cho chủ trì liên kết để sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các tác nhân trong các chuỗi liên kết đã có sự thỏa thuận hợp tác để cùng nhau thúc đẩy chuỗi liên kết phát triển.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, HTX đã tham luận đánh giá tình hình liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; qua đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chế biến nông sản gắn với chuỗi liên kết.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, địa phương đã cùng đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã để liên kết hỗ trợ cho bà con nông dân. Đồng chí đề nghị, để phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, trong thời gian tới các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực. Nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp địa phương; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng liên kết giữa các địa phương có điều kiện tương đồng trong sản xuất về giống, công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hiệp hội ngành hàng. Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác phối hợp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Dịp này Hội nghị cũng đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với 6 tập thể và 1 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Anh Tuấn