Triển khai Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 luôn được tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của tỉnh; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các Chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và địa phương, kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; tiếp tục tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong hơn 2 năm (2021-6/2023), số lao động được giải quyết việc làm mới đạt 39.910 người, đưa 224 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; đào tạo nghề cho 3.278 người lao động ở nông thôn. Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống được quan tâm, đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 5,93%, giảm 1,86% so năm 2021; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tăng từ 29,21 triệu đồng/năm năm 2020 lên 30,4 triệu đồng vào năm 2021; có 2 huyện đạt chuẩn NTM, 31 xã đạt chuẩn NTM, 14 xã NTM nâng cao, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Từ đó, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực trong các phong trào thi đua xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả thực hiện 3 Chương trình MTQG trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của các chương trình; chú trọng công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các chương trình MTQG nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện. Tiếp thu các ý kiến của Tổ công tác, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị đến Trung ương như: Cho phép được chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp của 3 Chương trình MTQG đối với vốn ngân sách địa phương đối ứng năm 2022 sang năm 2023 thực hiện theo như tinh thần Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội; quy định việc chuyển nguồn kinh phí thực hiện 03 Chương trình MTQG trong giai đoạn còn lại 2023-2025 được phép chuyển nguồn sang năm sau để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện giải ngân nguồn vốn; quan tâm, xem xét thông báo tổng mức trần vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 5 năm của từng Chương trình MTQG cho các địa phương để có cơ sở triển khai thực hiện, nhất là phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và cân đối vốn đối ứng của ngân sách sách địa phương; cho phép các địa phương được chủ động điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các Tiểu dự án, Dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo thực hiện Chương trình một cách hiệu quả tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách nhà nước…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các kết quả thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Tổ công tác sẽ ghi nhận và báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, qua đó kiến nghị đến Quốc hội để tháo gỡ.
Xuân Nguyên