Thống nhất quy định về vật tư xây dựng liên quan đến phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, hiện nay "sức khỏe" của các doanh nghiệp chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, dệt may, gỗ là một trong những ngành nghề có thế mạnh về xuất khẩu nhưng đang vật lộn với nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, theo thống kê của các cơ quan chức năng, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200 nghìn người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn. Thời gian gần đây, số lượng người lao động thất nghiệp do thiếu đơn hàng tăng nhanh, họ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng do không chốt được sổ bảo hiểm.
Một khó khăn nữa được đại biểu nêu là thủ tục đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân nói chung, nhất là các doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng nặng nề, gần như đứt gãy chuỗi cung ứng khi xe không đủ điều kiện lưu thông. Điều này vô hình chung khiến việc đăng kiểm xe cơ giới không còn là vấn đề kỹ thuật nữa mà trở thành một khoản chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, người dân khi việc đăng kiểm kéo dài và mất thời gian.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng tồn đọng hồ sơ xin thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, công trình nhà xưởng chưa được nghiệm thu để đưa vào hoạt động bởi chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định mới, do chưa có sự đồng bộ trong hướng dẫn thực hiện giữa các ngành chức năng. Trong khi đó, đây là một trong những yêu cầu pháp lý bắt buộc để đối tác nước ngoài xem xét trước khi ký hợp đồng đặt hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Trước những vướng mắc này, đại biểu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng, tự khai thác của nông dân để doanh nghiệp có thời gian hoàn thành các thủ tục về phân loại theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có giải pháp xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, có chính sách hỗ trợ cho các lao động bị ảnh hưởng...
Để giải quyết bài toán đăng kiểm, đại biểu đề nghị nên tổ chức xã hội hóa ngành đăng kiểm. Theo đó, Chính phủ xem xét phân cấp, ủy quyền cho các hãng ô tô, garage đủ chức năng kỹ thuật thực hiện công tác đăng kiểm, đồng thời có cơ chế hậu kiểm ngẫu nhiên các cơ sở này để đảm bảo công tác đăng kiểm tư nhân được thực hiện nghiêm túc, đúng theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, có chế tài xử lý thật nặng nếu garage nào đăng kiểm mà bỏ qua lỗi kỹ thuật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng thống nhất trong hướng dẫn quy định cụ thể về vật tư xây dựng liên quan đến phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tế của từng loại hình, lĩnh vực, tính chất, đặc điểm ngành nghề và tránh phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quan tâm đến tình hình doanh nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, ở phạm vi toàn cầu, bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 không tươi sáng, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp. Lạm phát cao, tổng cầu giảm, thương mại toàn cầu chậm lại. Các chỉ số kinh tế - xã hội đều thấp hơn năm 2022. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,8%; trung bình khoảng 3% trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua.
Bên cạnh khó khăn về kinh tế, mất việc làm đang và sẽ diễn ra nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tăng trưởng việc làm năm 2023 chỉ đạt 1% và dự báo năm 2024 chỉ đạt 1,1%, thấp hơn nhiều so với năm 2022.
Cho rằng doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong đại dịch vừa qua, đại biểu nhấn mạnh: Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Do đó, đại biểu nhận định cần có những quyết sách quyết liệt hơn, khẩn cấp hơn. Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm các kỳ họp bất thường để phúc đáp các yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, người dân. Đại biểu cũng nhất trí việc giảm 2% thuế VAT và kéo dài tới năm 2024, đồng thời kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển du lịch; cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; có phương án giải quyết các vấn đề an sinh xã hội phát sinh...
"Khó khăn của kinh tế toàn cầu là phép thử đối với sự chống chịu của kinh tế trong nước, nhưng cũng là cơ hội để sắp xếp, điều chỉnh chính sách như: chính sách thu hút đầu tư, xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm để điều chỉnh giảm thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm cho người lao động", đại biểu phân tích.
Ngoài ra, theo đại biểu, năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 chỉ rõ: Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm. Đại biểu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này, do đó đề nghị đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân; từ đó đề xuất các giải pháp riêng nhằm đạt chỉ tiêu cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021- 2030. Quốc hội xem xét ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực để phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, một mặt chuẩn bị các điều kiện cần thiết thích ứng với thời kỳ dân số già sẽ xảy ra trong tương lai.
Theo TTXVN/Báo Tin tức