Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tán thành cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; thống nhất Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh, đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Nghiên cứu 8 nhóm vấn đề cần được quan tâm, được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu nhất trí với vấn đề được chỉ ra về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Vấn đề này cũng đã có nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến rất sâu sắc, xác đáng. Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian để kiểm tra, họp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc để giúp giải ngân nhanh hơn, nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn giao hàng năm. Tuy nhiên, qua số liệu giải ngân những năm qua cho thấy vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nên cần phải đặt câu hỏi tại sao đã chỉ đạo nhiều, tháo gỡ nhiều, quyết tâm cao nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ tận gốc rễ các vấn đề bất cập, vướng mắc.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành về nguyên nhân giải ngân chậm thì dường như tồn tại, vướng mắc ở Trung ương không nhiều mà chủ yếu là ở cấp thực hiện, nhưng khi hỏi địa phương thì địa phương trả lời đã trình Bộ, ngành chức năng, có thẩm quyền để cho ý kiến theo đúng quy trình, quy định của pháp luật nhưng mãi chưa được cho ý kiến, trả lời. Nếu cứ lòng vòng trong trách nhiệm, trong vướng mắc bởi quy định pháp luật thì việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công là điều hiển nhiên. Đại biểu mong muốn việc này cần được sớm nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá lại để có giải pháp xác thực; sớm xử lý tận gốc để sớm khơi thông hoạt động đầu tư công, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Bởi vì, đồng vốn đầu tư công được giải ngân sớm sẽ có lợi cho xã hội; công trình được hoạt động thì lao động sẽ có việc làm, có thu nhập, có tiêu dùng cho xã hội.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội trường Quốc hội.
Đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá lại toàn diện các quy định của pháp luật về thẩm quyền; về trình tự, thủ tục, về quy trình, cách làm… để xem có gây khó khăn, ách tắt gì cho địa phương trong triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hay không; cần xem xét đã thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình để thúc đẩy hoàn thành tốt trong các hoạt động đầu tư hay chưa. Vì nếu như từng việc đều được giao nhiệm vụ kịp thời, minh bạch, thường xuyên theo dõi, chung tay giải quyết thì sẽ nhanh chóng hoàn tất.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đang thảo luận về cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư, theo hướng tăng giao trách nhiệm về cho các tỉnh quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện Dự án vốn đầu tư ngân sách trung ương… qua thảo luận đều được đa số đại biểu Quốc hội phát biểu phân tích sâu kỹ, tán thành. Vì vậy, để giảm bớt quy trình, thủ tục, tránh gây mất nhiều thời gian để làm hồ sơ, trình hồ sơ, đợi chờ các cấp có thẩm quyền cho ý kiến; để các địa phương chủ động và chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đại biểu đề nghị cần sớm rà soát, xem xét lại các quy định về đầu tư công, theo hướng phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn cho chính quyền địa phương, chẳng hạn ở Điều 67 Luật Đầu tư công quy định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.
Thúy Sương