Giải phóng nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển

Tại phiên thảo luận sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm như chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, việc quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...

Xử lý nghiêm công ty bảo hiểm vi phạm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2022, việc điều hành kinh tế - xã hội đã thành công rực rỡ. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%; thu ngân sách vượt so cùng kỳ 15,7% và vượt dự toán 28,6%; bội chi ngân sách dưới 4%. CPI, tức chỉ số lạm phát là 3,15% và nợ công giảm xuống chỉ còn 38%; nợ Chính phủ 34,7% GDP.

Giải trình về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời điểm lập dự toán là tháng 9/2021, là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Thời điểm đó tăng trưởng âm, thu ngân sách âm so với cùng kỳ. Dự toán ngân sách phù hợp với bối cảnh thời điểm đó.

Tuy nhiên đến năm 2022, nước ta đã chống dịch thành công, tăng trưởng đạt 8,02% cả năm. Từ đó vượt thu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ, dầu thô vượt thu so với dự toán là do tăng giá dầu và tăng sản lượng. Bên cạnh đó, tăng cường kê khai và tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản; thu nội địa cũng tăng… "Những kết quả trên cho thấy, vấn đề tài khóa năm 2022 tương đối thành công", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%... Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc… thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, vừa qua có những tồn tại trong vấn đề liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm (ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm nhằm bán bảo hiểm cho khách hàng thông qua ngân hàng giới thiệu để hưởng hoa hồng). Các hợp đồng dài hạn chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi khiếu kiện…

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính đang tham mưu xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tạo chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn, nhưng các số liệu, chỉ tiêu cao hơn so với số đã báo cáo với Quốc hội. Đây là tín hiệu rất tích cực, kết quả này rất đáng trân trọng, tự hào; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và đặc biệt được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ.

Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên trong quá trình chuyển đổi có mâu thuẫn, chồng chéo hay xung đột, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ là không tránh khỏi. Quan trọng là phải phát hiện kịp thời và điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên một số hạn chế như: năng lực chống chịu và ứng phó trước các biến động bên ngoài, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hậu quả dịch COVID-19 để lại hết sức nặng nề và các doanh nghiệp phải gồng mình chống chịu. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ.

Về một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cơ bản đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển nhằm đạt được mục tiêu cao nhất.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo có biện pháp thực thi chính sách phát triển mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động.

Về đầu tư công, Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ đã thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, giao tất cả các quyền cho bộ, ngành, địa phương, từ khâu lựa chọn dự án đến lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm công tác tổng hợp, rà soát.

Nêu thực tế cùng mặt bằng pháp lý nhưng địa phương này thực hiện tốt, địa phương khác chưa thực hiện tốt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vấn đề do khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm và giám sát địa phương, ngành mình, cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ tiếp tục tập trung vào các vấn đề dài hạn, trung hạn, trong đó tiếp tục thực hiện rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao các dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế...

Kiến nghị nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sau 1,5 ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận. 6 Bộ trưởng đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề liên quan.

Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc thể hiện tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để vượt qua những khó khăn, thách thức năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Các đại biểu cũng nêu những bất cập, hạn chế nổi lên từ quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023, đề nghị làm rõ hơn những thách thức, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 để định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, cơ cấu lại nền kinh tế; có giải pháp tích cực để cải thiện hai chỉ tiêu quan trọng không đạt mục tiêu năm 2022, gồm năng suất lao động và tỷ trọng chế biến, chế tạo trong công nghiệp.

Các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; ngăn chặn đà suy giảm của nhiều động lực tăng trưởng, địa bàn tăng trưởng; chủ động, kịp thời hơn trong phản ứng chính sách, tăng cường hiệu quả, hiệu lực của chính sách tài khóa, tiền tệ không để xảy ra tình trạng ngân hàng dồi dào thanh khoản, vốn đầu tư ứ đọng, tồn ngân tại kho bạc, ngân hàng nhưng nền kinh tế thiếu vốn, không hấp thụ được vốn.

Cùng đó, đại biểu đề nghị, triển khai các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; các giải pháp để giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chấm dứt việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho sản xuất - kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, người dân...

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo TTXVN/Báo Tin tức