Chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận và Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết

Sáng ngày 30/5/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về “Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận” và “Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận ý kiến về các nội dung trên như sau:

Đối với Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận”:

Đại biểu nhất trí với đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Dự án đường liên vùng kết nối tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh 707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (viết tắt Dự án); đồng thời, tán thành cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư về Dự án này. Bởi vì, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy quy trình làm việc trước khi trình báo cáo với Quốc hội về Dự án này đã được thực hiện chặt chẽ. Dự án được cơ quan thẩm tra của Quốc hội tổ chức khảo sát, thẩm tra sơ bộ, báo cáo và cho ý kiến, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung của Dự án và được cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục thẩm tra kỹ lưỡng, có sự phối hợp thẩm tra của đại diện các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, kết hợp với các báo cáo tham gia phối hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Kiểm toán Nhà nước, xây dựng thành báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp Quốc hội, nên quy trình làm khá chặt chẽ. Thông tin cơ bản về Dự án rõ ràng, sự cần thiết của Dự án được báo cáo cụ thể, các yếu tố quan trọng của dự án được báo cáo thẩm tra làm rõ thông tin và có những kiến nghị cụ thể nên đại biểu tán thành cao.

Về phương án giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân bị ảnh hưởng cũng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo thẩm tra; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của ĐBQH tại phiên họp Tổ khẳng định sẽ thực hiện, nên đại biểu cũng khá yên tâm, đại biểu tin tưởng tỉnh Khánh Hoà sẽ tính toán, làm tốt Dự án khi được Quốc Hội thông qua, tin tưởng vào sự thành công của Dự án. Việc hình thành tuyến đường giao thông kết nối ba tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong khu vực kết nối trong các hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, khu vực, vùng.

Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội trường.

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận:

Đại biểu tán thành, thống nhất cao về việc cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Có thể nói tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận là các tỉnh khô hạn nhất trong cả nước, đặc điểm nổi bật là nắng và gió; hạn hán gây gắt nhưng cũng dễ xảy ra lũ trong mùa mưa lũ, do vậy việc thúc đẩy tiến độ đầu tư Dự án rất cần được sớm thực hiện. Đại biểu tán thành với một số nội dung chủ yếu tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận Tổ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép kéo dài nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương đến 31/12/2023, vì tỉnh Bình Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, hàng năm vẫn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu cũng đã báo cáo với Quốc hội về việc tỉnh Ninh Thuận cũng đang vướng số vốn chưa giải ngân được của Dự án Hồ chứa nước Sông than hơn 73 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2022 cùng với Hồ chứa nước Ka Pét của tỉnh Bình Thuận (theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội). UBND tỉnh Ninh Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã gửi văn bản báo cáo tình hình và nguyên nhân bất khả kháng làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân và đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ xin kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023. Việc chậm tiến độ này là do một số yếu tố khách quan như: việc hoàn chỉnh các thủ tục chuyển đổi rừng qua nhiều khâu, nhiều bước kéo dài, mất nhiều thời gian; Dự án được cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sau thời gian dịch Covid-19 khó khăn về lao động; Khu vực triển khai Dự án mưa lũ xảy ra thường xuyên trong năm 2022; Đập đất hồ chứa có dung tích 85 triệu mét khối, là đập được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh, trong quá trình thi công có phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về Lập địa, nên đòi hỏi phải thi công thận trọng, tuyệt đối an toàn cho công trình; Hợp đồng dự án không được điều chỉnh đơn giá, trong khi giá cả vật liệu năm 2022 có nhiều biến động, tăng cao… đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét thêm, vì 2 dự án đều được thụ hưởng cơ chế, chính sách như nhau theo Nghị quyết số 29 ngày 28/7/2021 của Quốc hội như đã nêu; sẽ rất khó khăn cho tỉnh Ninh Thuận nếu như vốn bị thu hồi, tỉnh rất khó để tự tìm nguồn cân đối vì thực tiễn hàng năm Tỉnh vẫn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương, vì vậy tỉnh đang rất cần nguồn vốn hơn 73 tỷ đồng, tỉnh đang gấp rút thi công, quyết tâm hoàn thành dự án này trong năm 2023. Đồng thời, đại biểu cũng đã khẳng định, ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều của các Bộ, ngành trung ương, nhất là Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan của Quốc hội đối với tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua.