* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Phát huy vai trò đầu tàu kinh tế
Tính cấp thiết của Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54) xuất phát từ tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31) và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24), để thành phố có thể đảm đương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Qua đó nhằm đưa TP Hồ Chí Minh có một vị thế nổi trội trong khu vực châu Á và là đô thị ngang tầm với thế giới, đầu tàu của kinh tế số và xã hội số, điểm đến hấp dẫn toàn cầu cũng như là nơi mà thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí đầu tàu, động lực quan trọng của cả nước mà sự năng động, sáng tạo và cũng là đô thị đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới.
Điều này đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt của đô thị thành phố. Các nội dung trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 hướng đến yêu cầu đó, để thành phố phát huy hết các tiềm năng, lợi thế và đạt được mục tiêu của Nghị quyết 31.
Dự thảo nghị quyết có các cơ chế, chính sách tạo động lực để TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế với cả nước. Các cơ chế, chính sách đó cũng giúp thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, trên tinh thần cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước.
Sau hơn 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và đã đạt được một số kết quả tích cực. Thế nhưng, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, có nhiều nội dung chưa đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, Nghị quyết 31 đặt mục tiêu phát triển TP Hồ Chí Minh ở vị trí mới, tầm cao mới; đặt thành phố so sánh với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, khi đặt yêu cầu kinh tế số đóng góp 40% vào tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh cũng cần thể chế phù hợp.
Để thực hiện được mục tiêu đó phải có thể chế vượt trội tương thích và phù hợp cho thành phố. Trên cơ sở tổng kết những kết quả thực hiện Nghị quyết 54 cho thấy rất cần bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP Hồ Chí Minh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cũng như huy động được mọi nguồn lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Điểm nổi bật trong dự thảo nghị quyết là có những quy định vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi để TP Hồ Chí Minh phát huy được hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mình. Dự thảo mới có 12 điều với 7 nhóm cơ chế, chính sách có những vấn đề mới đột phá.
Đơn cử như việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) rất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị hay sự ưu đãi đối với những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, ngành mũi nhọn, đột phá.
Ngoài ra, dự thảo cho phép TP Hồ Chí Minh đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT.
Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.
Các giải pháp đó là cơ chế đột phá tạo điều kiện để thành phố huy động được các nguồn lực nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH đã có những bài học kinh nghiệm nhất định.
Với một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn nên rất cần một Luật Đô thị đặc biệt trong thời gian tới. Vì thế, việc triển khai thí điểm một số chính sách đặc thù cũng là cơ sở để triển khai, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Đáng lưu ý, trong nội dung Nghị quyết cũng đã bàn đến những vấn đề về quản lý đô thị, môi trường, quy hoạch, phát triển… để huy động được các nguồn lực của xã hội.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng đã huy động vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân chiếm trên 70%. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết lần này đã áp dụng các cơ chế BT, BOT, PPP trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn hoá và thể thao. Khi đó mới có đủ điều kiện để đầu tư hạ tầng cho kinh tế - xã hội, giao thông, kể cả văn hóa.
Với quy mô kinh tế lớn nhất nước và là một đô thị đặc biệt, trong khi chưa có Luật Đô thị đặc biệt, rất cần có một Nghị quyết riêng cho TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Nghị quyết mới này cần có những chính sách, bao phủ trên nhiều lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, môi trường, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy, phát triển thành phố Thủ Đức…
* Đại biểu Trần Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Đề xuất cơ chế mới, đặc thù
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết này đã tạo bước đột phá và đạt được những kết quả nhất định.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như một số vấn đề trong nước, quốc tế, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp và đối mặt với nhiều khó khăn.
Điều này thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rút khỏi thị trường, thu nhập của một bộ phận người dân giảm, sức mua trên thị trường yếu.
Do đó, Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nhìn thấy được các rào cản để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội một cơ chế đặc thù mới, linh động và cởi mở hơn.
Vì vậy, cần thiết có một Nghị quyết mới cho “đầu tàu cả nước” bởi nếu kinh tế TP Hồ Chí Minh ì ạch, kém phát triển sẽ ảnh hưởng xấu đến đà phát triển chung của các tỉnh phía Nam và cả nước.
Đáng lưu ý, mặc dù TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, đô thị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi hạ tầng giao thông phát triển, kết hợp quản lý đô thị, xây dựng khu đô thị mới, tạo quỹ đất công sẽ tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh với nhiều công trình mang tầm vóc quốc tế.
Để triển khai, thực hiện chính sách mới hiệu quả, vấn đề cốt lõi, trọng tâm và căn cơ nhất chính là con người. Nếu chậm trễ, không quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm hoặc chỉ làm cầm chừng sẽ không thể có đột phá, phát triển. Và, TP Hồ Chí Minh với đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ tạo ra bước đột phá trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức