5 ngành, lĩnh vực quan trọng định hướng phát triển trong thời gian tới

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 12 thông qua: Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, gồm 5 cụm ngành, lĩnh vực: Năng lượng, Năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản. Cụ thể:

* Năng lượng, năng lượng tái tạo: Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,...). Phát triển nguồn năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết tại COP26. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng truyền tải điện để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Công ty Cổ phần Sản xuất & Chế biến Muối BIM đầu tư năng lượng điện gió tại Phước Minh (Thuận Nam).Ảnh: Văn Nỷ

* Du lịch chất lượng cao: Phát triển ngành du lịch theo hướng “Bền vững - Đẳng cấp - Độc đáo”; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo để trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm của khách trong nước và quốc tế; là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Cơ sở lưu trú chất lượng cao tại khu vực biển Binh Sơn-Ninh Chữ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đáp ứng tốt nhu cầu nghĩ dưỡng của du khách. Ảnh: Văn Nỷ

* Công nghiệp chế biến, chế tạo: Phát triển cụm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối để khai thác lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.

* Xây dựng và kinh doanh bất động sản: Phát triển ngành xây dựng đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị - nông thôn đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững, đa dạng các loại hình bất động sản nhà ở, thương mại, du lịch, công nghiệp,… phù hợp nhu cầu của thị trường với chất lượng tốt và giá cả hợp lý; ứng dụng công nghệ vào xây dựng, quản lý, kinh doanh bất động sản góp phần hiện đại hóa ngành xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng của tỉnh Ninh Thuận ngày một phát triển.

Một góc kết cấu cơ sở hạ tầng, bất động sản tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

* Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.