Khái niệm Vùng tiếp giáp lãnh hải và Vùng đặc quyền về kinh tế cũng như quy định chủ quyền pháp lý đối với hai vùng biển này đã được đề cập khá cụ thể trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Luật Biển năm 1982); theo đó:
Vùng tiếp giáp lãnh hải, là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, có chiều rộng không quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.
Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm:
- Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;
- Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.
Việc Luật Biển năm 1982 quy định thẩm quyền nêu trên nhằm tạo điều kiện để quốc gia ven biển ngăn ngừa và trừng trị các vi phạm có thể xảy ra; đồng thời, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển của quốc gia ở vùng nội thủy và lãnh hải. Như vậy, Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 2): "Thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong phạm vi vùng biển rộng 12 hải lý tiếp liền với lãnh hải và tạo với lãnh hải một vùng biển rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, và nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy định về y tế, di cư và nhập cư trên lãnh thổ hoặc lãnh hải Việt Nam" là hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Biển năm 1982.
Vùng đặc quyền về kinh tế, là một vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, được mở rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Trong Vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:
- Các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
- Quyền tài phán theo đúng những quy định của Công ước (Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã đề cập trong Số 12-2009, trang 114-115).
Trong Vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển được hưởng: quyền tự do hàng hải; quyền tự do hàng không; quyền tự do lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm; quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế phù hợp quy định của Công ước (do Vùng tiếp giáp lãnh hải đồng thời nằm trong phạm vi Vùng đặc quyền về kinh tế, nên các quyền này của các quốc gia cũng được áp dụng cho Vùng tiếp giáp lãnh hải).
Vùng đặc quyền về kinh tế là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Biển năm 1982. Nó không phải là lãnh hải (nằm ngoài lãnh hải) và cũng không phải là một phần của biển cả, vì phạm vi áp dụng của phần Biển cả (phần VII) của Luật Biển năm 1982, không áp dụng cho Vùng đặc quyền về kinh tế.
Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng đặc thù; trong đó, quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế, được quy định bởi Công ước, mà không chia xẻ với các quốc gia khác. Song, đây là vùng chuyển tiếp giữa lãnh hải và biển cả, hay một "vùng chủ quyền giới hạn". Do vậy, Luật Biển năm 1982 đã dành một dung lượng khá lớn (từ Điều 55 đến Điều 75) để cụ thể hóa các khái niệm, thẩm quyền trong việc khai thác tài nguyên sinh vật, bảo tồn các nguồn lợi biển; xây dựng, lắp đặt, khai thác và sử dụng các công trình biển; nghiên cứu khoa học biển; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; quyền hạn để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự các nguồn gây ô nhiễm đối với môi trường biển; phân định ranh giới Vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau; các hải đồ và các bản kê các tọa độ địa lý; v.v.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của nhiều nước, thực chất việc quy định chế độ pháp lý đối với Vùng đặc quyền về kinh tế được nêu trong Luật Biển năm 1982 thể hiện sự "thỏa hiệp" giữa nhóm các nước đang phát triển và một số cường quốc biển; giữa quyền lợi của quốc gia ven biển với quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế; giữa thuyết chủ quyền quốc gia và thuyết tự do hàng hải..., nên chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề phức tạp trên Vùng biển này. Do vậy, những vấn đề nảy sinh, mâu thuẫn, bất đồng cần được các quốc gia ven biển và liên quan giải quyết thông qua thương lượng, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven biển, quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan, mà Luật Biển năm 1982 quy định.
Nguồn Tạp chí Quốc phòng toàn dân