Trước những hành động đe dọa trong thời gian gần đây của các tàu Trung Quốc, ngư dân khu vực duyên hải miền Trung vẫn kiên cường bám biển, vươn khơi. Không những thế bà con đã liên kết thành những Tổ tương hỗ, Tổ đoàn kết như những “Hải đội” ngư dân sử dụng vũ khí lòng tin để vững vàng tiến bước, bất chấp mọi hiểm họa trên biển.
Ngư dân miền Trung chuẩn bị ngư cụ tiếp tục ra khơi.
Tiếp tục vươn khơi
Đó là khẳng định của hầu hết các chủ tàu tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) trong những ngày qua. Với quyết tâm này, không chỉ vì kế sinh nhai mà thiêng liêng hơn cả là nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. “Dù ra khơi trong thời điểm này chúng tôi rất lo lắng, nhưng không phải vì thế mà bỏ biển, bỏ nghề. Trong khi đó, mùa này cá thường tìm về để sinh sống, nếu không được đánh bắt thì đời ngư dân còn ý nghĩa gì” - ông Trần Hùng (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 48759 bộc bạch. Còn lão ngư Lê Phụng, chủ tàu ĐNa 45867 (Đà Nẵng) khẳng định: “Đời ngư dân chúng tôi quen biển rồi, làm sao cấm được ý chí của bà con. Vì đó là biển của Việt Nam, là chủ quyền của chúng ta”.
Với kinh nghiệm 15 năm đánh bắt ở ngư trường xa, đồng thời là Tổ trưởng tổ tương hỗ số 4 (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), ông Cao Văn Minh đã đúc kết được kinh nghiệm để đối phó với nạn cướp biển. Mỗi chuyến ra khơi, phải tập hợp từ 5 - 10 tàu cá luôn đi chung với nhau. Sau khi định vị ngư trường, các tàu có thể chia vùng khai thác nhưng luôn trong tầm quan sát của nhau. Nếu tàu nào có bất trắc xảy ra thì những tàu còn lại kịp thời đến hỗ trợ. Nhờ vậy nhiều lần, những tàu nằm trong tổ tương hỗ của ông Minh đã vượt qua được sự uy hiếp, đòi cướp hải sản của tàu nước ngoài.
Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết từ những lợi ích thiết thực trên, TP Đà Nẵng đã hình thành 97 tổ tương hỗ với 699 tàu thành viên. Hiện các tàu đang hoạt động rất hiệu quả và TP sẽ khuyến khích cũng như hỗ trợ ngư dân tiếp tục hình thành thêm các tổ liên kết, tổ tương hỗ để ngư dân Đà Nẵng vẫn căng buồm ra khơi vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Song song với việc thành lập các tổ tương hỗ, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã thành lập Trung đội dân quân biển gồm 28 người. Sau gần 1 năm hoạt động, Trung đội dân quân biển đã tập trung tàu cá phối hợp với Vùng C Hải quân tiến hành xua đuổi hàng trăm lượt tàu lạ xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, đồng thời bảo vệ ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài uy hiếp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tổ đoàn kết
Những tổ tàu cá đoàn kết ở đảo Phú Quý chuẩn bị ra khơi
Tương tự, ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), cho biết từ đầu năm 2008, đã có chủ trương xây dựng các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển (gọi tắt là tổ đoàn kết). Bốn tiêu chí cơ bản làm cơ sở để thành lập các tổ đoàn kết là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và trong dòng họ, thân thích. Mục đích chính của chủ trương này nhằm phát huy tinh thần tương trợ, phòng chống thiên tai, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền…
Thượng tá Ngô Xuân Bờ, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, cho biết: Từ khi có chủ trương đến nay, 3 xã thuộc huyện đảo Phú Quý là Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải đã thành lập được 121 tổ đoàn kết, với 771 tàu cá và khoảng 4.890 lao động. Trong những ngày qua, các ngư dân vẫn vượt sóng ra biển đánh bắt hải sản. Ông Nguyễn Văn Tý, một lão ngư có thâm niên đi biển và cũng là một thành viên của Tổ đoàn kết số 5 ở thôn xã Long Hải, cho biết: Tổ đoàn kết của ông có 7 thuyền chuyên nghề câu mực. Khoảng một tuần, các thuyền trong tổ dồn sản phẩm cho hai thuyền chạy vào đất liền bán, rồi lấy đá lạnh, dầu máy, lương thực, thực phẩm mang ra cho các thuyền đang tiếp tục bám biển. Nhiều ngư dân khẳng định rằng, nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ nên rất yên tâm mỗi khi ra khơi, không sợ bị tàu lạ tấn công.
Nguồn Báo SGGP