Bước vào thực hiện nghị quyết “tam nông”, Huyện ủy Bác Ái đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch và chương trình hành động của huyện, các xã, đoàn thể đã cụ thể hóa vào chương trình công tác và nhiệm vụ hằng năm của đơn vị mình. Với sự quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong huyện, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Bác Ái đã đạt được những kết quả tích cực: Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là ngành sản xuất chính, chiếm trên 90% lao động và sinh kế người dân từ nông nghiệp. Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân 7,5%/năm, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 11.000 ha, góp phần giảm nghèo cho bà con nông dân, an ninh lương thực trên địa bàn cơ bản được bảo đảm. Trình độ, học vấn của một bộ phận bà con ngày càng được nâng cao, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều, vai trò là chủ thể được nâng lên, tham gia hợp tác, liên kết và thành lập 11 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Công tác đào tạo nghề nông thôn, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gắn với tạo việc làm cho người dân được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 5,9%, đạt và vượt kế hoạch theo lộ trình của tỉnh và huyện đề ra. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, kết quả huy động học sinh ra lớp hằng năm đều tăng, đạt 98,1%. Cơ sở hạ tầng y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp, đội ngũ cán bộ y tế, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám, chữa bệnh được quan tâm hỗ trợ, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên... Huyện cũng đẩy mạnh triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn từng bước được cải thiện; diện mạo nông thôn miền núi Bác Ái có sự thay đổi rõ rệt.
Mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung,
xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: Kha Hân
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Huyện ủy tiếp tục ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình hành động số 154-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, trong những năm tiếp theo, Bác Ái tập trung phấn đấu hướng đến mục tiêu: Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, chuyên nghiệp, phát triển toàn diện, có thu nhập tương được các địa phương lân cận. Nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, sản xuất hàng hoá có giá trị gia tăng cao; gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, có lợi thế. Nông thôn hiện đại, hài hòa, môi trường xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Trước mắt, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 3-4%/năm và giai đoạn 2026-2030 tăng 4-5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 10-11%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2025 có 2 xã đạt chuẩn NTM, năm 2030 có 5 xã đạt chuẩn NTM; trên 60% thôn đạt chuẩn thôn NTM. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020...
Để đạt được mục tiêu trên, theo đồng chí Mẫu Thái Phương: Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ Nghị quyết số 19-NQ/TW; Chương trình hành động số 154- CTr/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch của huyện đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong hệ thế chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về “tam nông”. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho bà con nông dân và nhân dân trong huyện để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Chuyển dịch dần cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập; khuyến khích, thu hút lao động có trình độ cao về làm việc tại huyện.
Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai (đối với các địa phương đủ điều kiện), giải quyết triệt để tình hình thiếu đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số (nhất là tại xã Phước Thắng); phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),...
Xây dựng NTM Bác Ái toàn diện, bền vững gắn với xây dựng đô thị Phước Đại đạt loại V, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh. Quy hoạch sử dụng đất nông thôn gắn kết với phát triển đô thị trung tâm huyện, khai thác và phát huy nguồn lực đất đai trong xây dựng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Xuân Bính