Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng năm 2023, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022. Đây là những kết quả đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: A.Tuấn
Trên địa bàn tỉnh, đến nay có 36 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1.204 triệu USD; nổi bật có 11 dự án năng lượng tái tạo với tổng vốn 949,33 triệu USD; 6 dự án du lịch, thương mại dịch vụ với tổng vốn 146,91 triệu USD; 13 dự án nông nghiệp với tổng vốn 60,41 triệu USD. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng DN đầu tư nước ngoài đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi các DN đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển. Đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, “biến nguy thành cơ”. Các DN, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu...
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN. Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, nhất là xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan. Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, nhất là phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng và hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực... Kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Tuấn