Phát triển thương mại - dịch vụ- Động lực tăng trưởng kinh tế

Xác định thương mại - dịch vụ (TMDV) là một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Trong 31 năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực TMDV, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm gần đây, kết cấu hạ tầng TMDV trên địa bàn tỉnh có bước phát triển rõ nét do được tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Hằng năm, công tác quy hoạch, kế hoạch được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng, thực hiện hoàn thiện làm định hướng phát triển. Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, đặc biệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115-NQ/CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 đã góp phần tạo động lực cho tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển. Từ những chủ trương đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, TMDV của tỉnh đã từng bước ổn định và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH của tỉnh thời gian qua.

Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.M

Phát triển rõ nét nhất là DV kinh doanh TM với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các DV được nâng lên, hàng hóa cung ứng trên thị trường đa dạng và phong phú, mạng lưới phân phối phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phủ khắp đến các vùng nông thôn giữ vững cân đối cung cầu. Cơ sở hạ tầng TM như: Trung tâm TM, siêu thị, chợ,... được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Các hình thức thương mại văn minh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân phối lưu thông. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 trung tâm TM, 5 siêu thị, 103 chợ và 34 cửa hàng tiện lợi, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất và TM, phát triển thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, khu vực TMDV có sự tăng trưởng tương đối nhanh so với các khu vực kinh tế khác của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu DV trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng gấp 30,3 lần so với năm 2000; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000-2022 tăng 16,8%/năm.

Cùng với TM nội địa, trong hơn 30 năm qua, bằng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến vượt bậc về kim ngạch và thị trường xuất khẩu. Nếu như năm 2000 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 9,4 triệu USD, đến năm 2022 đạt 123,7 triệu USD, tăng hơn 13 lần so với năm 2000. Sản phẩm công nghiệp trở thành hàng xuất khẩu chủ yếu như tôm đông lạnh, hạt điều nhân, đặc biệt mặt hàng tôm đông lạnh được thâm nhập phát triển vào thị trường EU, Mỹ và Nhật, góp phần đưa hoạt động xuất khẩu ổn định, phát triển theo tiềm năng thế mạnh của tỉnh về kinh tế biển.

Các tiểu thương kinh doanh tại chợ Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Ngọc Diệp

Bên cạnh TM truyền thống, hoạt động TM điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây được đánh giá diễn ra rất sôi động với tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Việc đưa vào hoạt động sàn TMĐT trong năm qua, giúp kết nối liên thông sàn TMĐT của tỉnh với các sàn giao dịch TMĐT khác (Voso.vn, Posmart.vn...), cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến TM cũng được triển khai có hiệu quả, đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp DN nghiên cứu thị trường và tìm kiếm khách hàng; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng quan tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng nền tảng công nghệ số để tương tác trực tuyến như xây dựng website; ứng dụng các phần mềm quản lý bán hàng; phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh (quản lý bán hàng, quản lý nhân sự, kế toán, tài chính,..). Trong đó tập trung chủ yếu là sản phẩm OCOP và đặc thù của các DN, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh. Từ đó, đã giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh doanh trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Thời gian tới, trước bối cảnh kinh tế trong nước được dự báo với nhiều khó khăn và thách thức, trên cơ sở nối tiếp những thành quả đạt được, ngành Công Thương phấn đấu hơn nữa trong công tác phối hợp thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng TM, đặc biệt các dự án tạo động lực như trung tâm logistics, tổng kho xăng dầu; tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng TM, kết hợp hài hòa giữa TM truyền thống với TMĐT, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của địa phương. Đồng thời trong chuyển đổi số, ngành Công Thương quyết tâm hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ việc ứng dụng rộng rãi TMĐT và giao dịch TMĐT xuyên biên giới trong DN và cộng đồng, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, hiện đại hóa hệ thống phân phối, chỉ dẫn địa lý của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước. Nhất là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động TMĐT cho DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; chú trọng hỗ trợ các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm,... giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hướng đến phát triển ổn định và bền vững.