Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thời gian qua, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (BCĐ 389) và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả. Qua đó, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giảm đáng kể, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của BCĐ 389, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy không phổ biến và ít nghiêm trọng như tuyến biên giới và các tỉnh, thành phố lớn khác trên cả nước nhưng vẫn còn diễn ra. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu như: Thuốc lá điếu, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng,... Nguồn hàng được đối tượng đầu mối chủ yếu lấy từ TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, thông qua việc vận chuyển hàng hóa của các xe tải, xe khách, các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, luôn thay đổi thời gian, địa điểm giao nhận hàng, cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau nhằm gây khó khăn cho việc phát hiện của lực lượng chức năng.

Hàng hóa nhập lậu khá đa dạng, từ hàng tiêu dùng có giá trị thấp đến hàng của các nhãn hiệu nổi tiếng có giá trị cao, được nhập lậu từ nhiều nguồn, nhiều tuyến và nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, tình trạng GLTM về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về an toàn thực phẩm,... vẫn tiếp tục xảy ra phổ biến như: Kinh doanh hàng không công bố chất lượng, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, ghi nhãn không đúng quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Theo đó, BCĐ 389 đã phối hợp với các sở, ngành thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố, tập trung vào nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu. BCĐ 389 các huyện, thành phố chủ động thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả theo định kỳ, đột xuất. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập thông tin, phối hợp kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển trên tuyến đường bộ, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1 từ TP. Hồ Chí Minh ra Bắc và ngược lại. Ở thị trường nội tỉnh chú trọng công tác quản lý địa bàn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra mạng lưới phân phối, tiêu thụ, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các điểm kinh doanh hàng nhập khẩu. Kết quả, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 909 vụ, khởi tố hình sự 9 vụ, với tổng số tiền thu trong kỳ hơn 24 tỷ đồng. Riêng đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên đán 2023, tính đến hết tháng 2, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 217 vụ, với tổng số tiền thu trong kỳ hơn 2,2 tỷ đồng.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã thu giữ nhiều loại hàng hóa như: Thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả, đường cát, rượu ngoại, bia, bánh kẹo, thực phẩm, hàng điện gia dụng, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách, đồ chơi trẻ em, gỗ các loại, khoáng sản, hạn chế phần nào sự lưu thông hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh và giảm thiểu sự tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính, người tiêu dùng, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong hoạt động thương mại và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài trong môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, như: Hiện nay, tình hình mua bán hàng hóa qua mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, hầu hết sử dụng hình thức vận chuyển trung gian và giao hàng tại nhà, nên các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc không có kho hàng cố định, tập kết hàng cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi và có sự cảnh giác cao. Về mặt hàng xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động bất thường về nguồn cung và giá cả. Đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng, được các đối tượng vận chuyển từ các tỉnh về buôn bán nhằm thu lợi bất chính. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân về tác động hàng lậu, kém chất lượng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn chạy theo lợi nhuận, chuộng hàng giá rẻ, chưa chủ động tố giác và phối hợp với các cơ quan chức năng khi mua hàng nhầm hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường, nên các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả.

Để tiếp tục đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh, thời gian tới BCĐ 389 tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Vận động và phát huy phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ tình hình và diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi về đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật.