Hiệu quả từ công trình đập hạ lưu Sông Dinh

Được đưa vào tích nước từ cuối tháng 4/2020, đến nay công trình đập hạ lưu Sông Dinh đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi vừa giúp ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ nước tưới cho cây trồng của người dân sinh sống dọc hai bên bờ Sông Dinh.

Công trình đập hạ lưu Sông Dinh có tổng mức đầu tư 691,5 tỷ đồng, bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương và nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Với diện tích xây dựng khoảng 12,89 ha, trong đó diện tích bờ Bắc thuộc phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) 6,42 ha và bờ Nam ở xã An Hải (Ninh Phước) 6,47 ha...

Công trình đập hạ lưu Sông Dinh.

Đập hạ lưu được xây dựng với nhiều công năng vừa là công trình thủy lợi, vừa là công trình giao thông, mục tiêu của công trình là kiểm soát độ mặn, ngọt, do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ Sông Dinh. Công trình còn tạo thành hồ chứa nước ngọt với dung tích 3,5 triệu m3 cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt và vật nuôi 2 bên bờ Sông Dinh. Đồng thời tạo nguồn để xây dựng hệ thống cấp nước bổ sung cho người dân phía Nam của 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước; tạo mặt hồ thoáng điều hòa khí hậu khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, kết hợp giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, công trình đập hạ lưu còn là nhịp cầu nối giao thông giữa xã An Hải (Ninh Phước) với phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), việc kết hợp giao thông trên mặt đập đã giúp kết nối, đẩy mạnh nhu cầu đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa 2 địa phương được thuận lợi. Ngoài ra, công trình còn hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão.

Người dân 2 bên bờ sông Dinh yên tâm sản xuất vì đã chủ động được nguồn nước tưới.

Đi dọc bờ Sông Dinh, có thể thấy đất đai nơi đây đã được phủ lên một màu xanh tươi tốt. Ông Trần Thanh Quang, ở khu phố 4, phường Tấn Tài phấn khởi: Bây giờ nông dân chúng tôi không còn lo lắng việc bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nữa. Chúng tôi rất yên tâm sản xuất vì đã chủ động được nguồn nước tưới quanh năm nên cây trồng và vật nuôi phát triển tốt, qua đó nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình.

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Việc đập hạ lưu Sông Dinh đưa vào vận hành tích nước đã giải được bài toán xâm ngập mặn bởi nước biển khi thủy triều lên, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế thiệt hại do nhập mặn gây ra. Từ đó, kinh tế nông nghiệp của người dân 2 bên bờ Sông Dinh có sự chuyển hướng khá rõ nét.