Để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trên biển, góp phần gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó quy định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp cơ quan chức năng theo dõi, giám sát quá trình đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Thường xuyên khai thác vùng biển xa bờ, trước đây anh Lê Văn Lại ở khu phố 7, phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) lo lắng nhất là đánh bắt vào vùng biển nước ngoài. Giờ đây, sau khi lắp và sử dụng thiết bị GSHT, nỗi lo đó của anh không còn vì luôn có sự theo dõi, hướng dẫn của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) và cơ quan chức năng. Trong quá trình đánh bắt, nếu gặp sự cố trên biển, thiết bị GSHT cũng giúp cơ quan chức năng xác định được vị trí của tàu để kịp thời hỗ trợ. Anh Lê Văn Lại cho biết: Khi Nhà nước cấp máy GSHT thì ở bờ cũng quản lý được tàu. Khi đánh bắt về thì mình mở máy hành trình lên để cập nhật hành trình, viết nhật ký khai báo với cảng cá. Tôi thấy đánh bắt an tâm hơn.
Kỹ thuật viên bảo trì thiết bị VMS cho ngư dân định kỳ theo quy định. Ảnh: T.Xuân
Hiện nay, nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh cũng nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc lắp đặt và sử dụng thiết bị GSHT khi đánh bắt xa bờ. Theo anh Bùi Văn Thao, Chủ tàu NT T91082TS ở xã Cà Ná (Thuận Nam), việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá là cần thiết để đảm bảo độ an toàn cho tàu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thời tiết xấu trên biển gây ra. Anh Thao cho biết: Lợi thế là khi mình không có sóng điện thoại mà gặp sự cố trên biển mình có thể liên lạc với cơ quan chức năng qua thiết bị này; trường hợp khi mình liên hệ khai thác trên biển không có sóng điện thoại hoặc không có bộ đàm thì mình thông qua GSHT đó liên hệ các tàu cá khác.
Để góp phần gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản bất hợp pháp của nước ta, ngành Thủy sản đã tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá có chiều dài trên 15 m lắp đặt thiết bị giám sát hình trình để quản lý việc khai thác hải sản. Đến nay, toàn tỉnh có 815/818 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị GSHT; triển khai đánh dấu cho hơn 2.190 tàu cá; trong đó, có 825 tàu từ 15 m trở lên, đạt 100%; gần 460 tàu từ 12 m đến dưới 15 m; 909 tàu cá dưới 12 m, đạt 100%. Qua kiểm tra, hầu hết các phương tiện chấp hành nghiêm quy định khi hoạt động trên biển, không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Tỉnh ta cũng thành lập 170 tổ đội khai thác trên biển với 85 tàu hậu cần phục vụ hoạt động khai thác và 2 nghiệp đoàn nghề cá. Hoạt động của các tổ đội sẽ đảm bảo an toàn hơn cho ngư dân trong suốt hành trình đánh bắt. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng giúp các ngành chức năng kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự, phát hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia trên khu vực biên giới biển. Ông Nguyễn Hồng Phấn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư để tuần tra, kiểm soát tất cả tàu cá theo quy định phải lắp thiết bị GSHT, phấn đấu đạt 100% để làm tốt công tác quản lý nhà nước và phòng, chống thiên tai.
Là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Ninh Thuận quyết liệt triển khai các giải pháp theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp khác. Trung tá Vương Huy Hoàn, Phó Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Lực lượng BĐBP tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động xa bờ để tăng cường quản lý, nắm tình hình và chủ động phòng ngừa không để vi phạm xảy ra phải xử lý làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ IUU của tỉnh. Chúng tôi cũng kiên quyết không cho các phương tiện tàu cá không đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định xuất bến; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Những giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ giúp ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Vĩnh Phát