Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, các quy định của NHCSXH trong hoạt động ủy thác; đồng thời giao chỉ tiêu đến từng Hội PN cơ sở, qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), hộ vay vốn trong việc quản lý nguồn vốn, trả nợ, trả lãi, sử dụng vốn đúng mục đích, tham gia gửi tiền tiết kiệm hằng tháng.
Phụ nữ xã Bắc Phong (Thuận Bắc) phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Đăng Khôi
Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện. Trên cơ sở chỉ đạo và kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay vốn hằng năm của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN các huyện, thành phố, các đơn vị xã, phường, thị trấn tiến hành xây dựng riêng kế hoạch kiểm tra, giám sát của mình. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào hoạt động các Tổ TK&VV như: Việc đôn đốc trả nợ gốc đến hạn, thu lãi hằng tháng đối với các hộ vay, việc sinh hoạt, bình xét hộ vay và ghi chép các biểu mẫu theo quy định.... Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thông qua kiểm tra, giám sát không chỉ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, mà còn giúp các tổ viên giúp đỡ, giám sát lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả, ngăn ngừa việc chiếm dụng vốn... Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp kiểm tra chương trình ủy thác của Hội LHPN 7 huyện, thành phố; 64 xã, phường, thị trấn, 312 Tổ TK&VV và 996 hộ vay.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sự sâu sát trong kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Năm 2022, các cấp hội đã phối hợp giải ngân gần 349 tỷ đồng cho 10.260 lượt hộ vay; trong quý I/2023, đã giải ngân trên 8,3 tỷ đồng cho trên 2.600 hộ vay, nâng tổng dư nợ trong các cấp hội lên gần 1.247 tỷ đồng với 40.600 lượt hộ vay. Trong đó, nợ quá hạn trên 1,9 tỷ đồng, chiếm 0,16%, (giảm 0,07% so với cuối năm 2022); nợ khoanh trên 10,8 tỷ đồng, chiếm 0,87%; lãi tồn đọng trên 8 tỷ đồng. Đồng thời, còn triển khai cho vay vốn hỗ trợ duy trì và mở rộng việc làm cho 3 thành viên Hợp tác xã hành tím xã Nhơn Hải (Ninh Hải), 7 hộ vay kinh doanh buôn bán nhỏ tại các phường: Bảo An, Mỹ Đông và xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), với số tiền 340 triệu đồng; các cấp Hội thực hiện tốt công tác vận động thành viên vay vốn hưởng ứng tham gia ngày hội “Gửi tiền chung tay vì người nghèo” do NHCSXH tỉnh phát động; hằng tháng hộ vay tham gia gửi tiết kiệm đạt 97,8%.
Theo đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiên các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo ký kết liên tịch giữa Hội LHPN tỉnh và NHCSXH tỉnh, đặc biệt tập trung chỉ đạo các cấp Hội PN chú trọng công tác bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng, đúng quy định, nâng cao chất lượng của từng khoản vay.
Ngoài ra, các cấp hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, đào tạo nghề, chương trình khuyến nông, khuyến ngư... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của tổ TK&VV. Qua đó thực hiện tốt chương trình ủy thác, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Uyên Thu