Ngày 2/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+ đã bất ngờ công bố đợt cắt giảm sản lượng mới ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia dẫn đầu nhóm với cam kết giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày.
Lý do OPEC+ cắt giảm sản lượng
Quyết định của OPEC+ cắt giảm sản lượng được đưa ra sau khi giá dầu thô quốc tế đi xuống trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc khiến nhu cầu nhiên liệu dành cho đi lại và công nghiệp cũng “hạ nhiệt”.
Một cơ sở lọc dầu gần thành phố Szazhalombatta, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN
Saudi Arabia vào ngày 2/4 cho biết động thái cắt giảm sản lượng là “đề phòng” tránh để giá dầu giảm sâu hơn.
Giá “vàng đen” đã rơi từ mức cao 120 USD/thùng vào mùa hè 2022 xuống còn 73 USD/thùng vào tháng 3/2023. Sau tuyên bố của OPEC+, giá thô Brent đã tăng khi ghi nhận mức 85 USD/thùng vào hôm 3/4.
Với lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ trầm trọng hơn do biến động ngành ngân hàng, kinh tế châu Âu chậm tăng trưởng và sự phục hồi của Trung Quốc sau dịch COVID-19 mất nhiều thời gian hơn dự kiến, các nhà sản xuất dầu mỏ đang cảnh giác trước nguy cơ "vàng đen" giảm giá đột ngột như trong thời kỳ đại dịch và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Theo AP, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể khiến giá dầu tăng khoảng 10 USD/thùng và đẩy giá dầu Brent quốc tế lên mức 110 USD/thùng vào mùa hè năm nay. Phó chủ tịch cấp cao của công ty Rystad Energy (Na Uy) nhận định rằng giá dầu cao có thể đẩy lạm phát toàn cầu vào một chu kỳ khiến các ngân hàng trung ương buộc phải giữ lãi suất cao, kéo theo kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Diễn biến này có ý nghĩa gì với Nga?
Một trạm xăng ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà kinh tế học Caroline Bain tại Capital Economics cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cho thấy “sự ủng hộ đối với Nga bất chấp nỗ lực giảm giá dầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden”.
Vào ngày 22/3 Nga cũng thông báo sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khoảng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 6/2023. Nga cần doanh thu từ dầu để hỗ trợ nền kinh tế và ngân sách nước này, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều đồng minh khác.
Tuy nhiên, từ tháng 12/2022, EU cùng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Nga đang bán dầu giảm giá, với doanh thu sụt giảm vào đầu năm nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu xuất khẩu dầu của Nga ước tính đã hạ xuống còn 11,6 tỷ USD vào tháng 2, sụt giảm 2,7 tỷ USD so với tháng 1.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đánh giá khủng hoảng ngân hàng ở phương Tây là một trong những lý do chính dẫn đến việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Phản ứng của Nhà Trắng
Một trạm xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ “không tồi tệ như bạn nghĩ”.
Trước đó, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã bày tỏ phản đối của Mỹ với diễn biến này: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm sản lượng là điều thích hợp ở thời điểm này do thị trường không chắc chắn và chúng tôi đã nói rõ điều đó”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng thị trường dầu mỏ đang ở một vị trí khác so với năm 2022, thời điểm giá “vàng đen” tăng vọt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông John Kirby bổ sung: “Chúng tôi tập trung vào giá, không phải vào số thùng dầu”.
Ở Mỹ, giá xăng phụ thuộc nhiều vào dầu thô, chiếm khoảng một nửa giá tính trên mỗi gallon.
Nhà kinh tế học Veronica Clark tại công ty Citigroup nhận định với tờ Financial Times: “Đối với Mỹ, điều này không phải là quan ngại lớn nhưng sẽ thật thú vị để theo dõi liệu việc cắt giảm có được duy trì và giá xăng bán lẻ tăng, đây mới là điều đáng chú ý đối với khả năng lạm phát toàn phần”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức